Khởi động hợp phần hỗ trợ kỹ thuật Dự án "Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm"
Điện Biên TV - Sáng 22/3, UBND tỉnh Điện Biên và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khởi động hợp phần hỗ trợ kỹ thuật Dự án đầu tư xây dựng công trình “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm”.
Dự hội thảo về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, UBND thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Về phía Cơ quan phát triển Pháp có ông Hervé Conan, Giám đốc Quốc gia AFD tại Việt Nam và các thành viên trong đoàn công tác của Cơ quan phát triển Pháp.
Đại biểu nghe thuyết trình về hợp phần hỗ trợ kỹ thuật Dự án đầu tư xây dựng công trình “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm”. |
Dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm” của tỉnh Điện Biên, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 170 ngày 4/2/2021. Tổng vốn thực hiện dự án trên 981 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA từ Cơ quan phát triển Pháp AFD là 665,5 tỷ đồng, vốn đối ứng 275,028 tỷ đồng và vốn EU viện trợ không hoàn lại là 40,5 tỷ đồng.
Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật của Dự án này do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên thiên nhiên (WARM Facility). Mục đích của Quỹ WARM là hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn phụ trách thiết kế đã trình bày kế hoạch làm việc, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong vòng 3 năm (2023 - 2025).
Thông qua quyết định thành lập và dự thảo Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, theo đó đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban chỉ đạo dự án.
Cùng với đó, hai bên đã trao đổi thảo luận thống nhất một số nội dung như: Đối với những vị trí không vướng đền bù, giải phóng mặt bằng và tái đinh cư sẽ được khởi công trước để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, đối với tỉnh Điện Biên cần cẩn trọng trong việc quản lý, không để đơn vị thi công thi công vào phần đất chưa đền bù giải phóng mặt bằng của người dân; đồng thời, lập hồ sơ chi tiết cụ thể công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của từng hạng mục./.
Văn Phú - Duy Hưng/DIENBIENTV.VN