Điện Biên

Ám ảnh nỗi nghèo Nặm Cứm

Thứ Năm, 28/07/2022, 13:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bản Nặm Cứm, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng có 64 hộ thì đều thuộc diện nghèo, trong đó nhiều hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải ở trong những căn nhà tạm, tranh tre, cơm ăn không đủ no. Vì thiếu đất sản xuất, cuộc sống của bà con chủ yếu nhờ vào đi làm thuê để có tiền mua gạo ăn từng bữa.

Đến với bản Nặm Cứm có lẽ điểm nhấn nổi bật nhất chính là con đường bê tông trải dài từ trung tâm xã Ngối Cáy đến tận đầu bản và cảnh sắc đặc trưng từ những đồi cây mắc ca của Công ty Macadamia Điện Biên xen giữa núi rừng.

Mặc dù chỉ cách trung tâm xã có hơn 4km nhưng với các em nhỏ và một số người dân ở đây rất lạ lẫm và ngơ ngác với đối với khách đến bản, họ cho đây như là một “sự kiện” khiến họ rất quan tâm, tò mò.

Theo anh Mùa A Lầu, Trưởng bản Nặm Cứm, cho biết: Trong các hộ của bản từ trước đến nay chưa có hộ nào thoát nghèo. Từ năm 2020 đến 2021, mới chỉ có 2 hộ lên được cận nghèo nhưng đến năm 2022 lại tái nghèo trở lại nên 100% hộ dân của bản đều thuộc diện hộ nghèo.

1
Những mái nhà như thế này là điều dễ bắt gặp nhất ở bản nghèo Nặm Cứm.

“Bản vẫn còn 10 hộ phải sống trong nhà tạm, tranh tre. Trước đây, các hộ này cũng đã được Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 100 tấm pro xi măng để làm nhà theo chương trình 135, nhưng do điều kiện gia đình quá khó khăn, không lấy được gỗ và chi phí nên không làm được nhà, cứ ở tạm rồi sau đó họ lại bán hết những tấm pro kia đi. Ngoài thiếu đất sản xuất thì trong số các hộ ở nhà tạm này cũng có một số nghiện nữa nên mới không có khả năng làm được nhà ở. Do đó hộ nghèo ở đây mới cao và rất khó thoát được nghèo.” - Trưởng bản Mùa A Lầu nói thêm.

Vì nghiện hút nên bị vợ con bỏ mặc, ông Mùa A Chớ năm nay đã 50 tuổi chỉ có thể dựng căn lều tạm giữa bản làm nơi tránh nắng, tránh mưa một mình thui thủi mỗi ngày. Để kiếm được bữa ăn qua ngày, ngày nào ông Chớ cũng đi chặt củi trong rừng hoặc đi kéo những cây gỗ khô to trong rừng về bổ thành từng bó mang đi bán lấy tiền mua mắm muối, mua gạo và thuốc…

Vợ chồng anh Hờ A Dế và chị Ly Thị Chớ với 3 đứa con cũng trong tình cảnh tương tự. Đã hơn 10 năm nay vợ chồng anh chị chuẩn bị cây gỗ, tiền nong để làm ngôi nhà mới nhưng vẫn chưa làm được với lý do quá nghèo. Giờ ở trong ngôi nhà tranh tre, mỗi khi mưa là lại dột và nỗi lo luôn thường trực với gia đình anh chị.

1
Chị Ly Thị Chớ bế con bên trong ngôi nhà tuềnh toàng không có vật dụng gì giá trị.

Không chỉ vậy, là hộ thiếu đất sản xuất lại nhiều miệng ăn nên gia đình anh chị đã không còn bao thóc nào trong nhà kể từ tết đến nay. Anh Dế cho biết, năm vừa rồi trồng ít lúa nương thu được 13 bao thóc nhưng vì đã vay ăn trước nên trả nợ nữa thì chỉ còn 8 bao. Giờ muốn có tiền mua gạo, vợ chồng anh phải tranh thủ đi làm thuê chăm sóc cây mắc ca, một ngày chỉ được 150 nghìn đồng/người, nhưng dù sao đây cũng là nguồn thu nhập chính của anh chị cũng như người dân nơi đây, nên thời điểm này ở bản ai ai cũng đi làm cho công ty mắc ca.

Cũng là hộ nghèo ở nhà tranh tre và thiếu ăn trầm trọng, gia đình chị Vàng Thị Sênh có tất cả 7 người. Hằng ngày, chồng chị và các con đều đi làm thuê cho công ty mắc ca đến tối mới về. Chị Sênh cho biết, vì gia đình đông con, đất sản xuất ít, một vụ chỉ thu được 20 bao thóc, chưa đến nửa năm nhà đã không còn hạt thóc nào nên mọi người đều phải đi làm thuê để kiếm sống.

1
Ông Mùa A Chớ nấu cơm trong căn lều tạm xập xệ.

Theo anh Vàng Chứ Sùng, Bí thư Chi bộ bản Nặm Cứm: Nguyên nhân người dân bản Nặm Cứm còn nhiều hộ đói nghèo như vậy phần lớn là do không có ruộng canh tác, đất nương bạc màu, không năng suất và cũng do trình độ dân trí thấp nên việc áp dụng kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khó thực hiện.

Chia tay Nặm Cứm mà lòng nặng trĩu - không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới hết cảnh đói nghèo để có cuộc sống ấm no, không phải lo ăn từng bữa và những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác dõi nhìn mỗi khi khách lạ đến bản.

Dù vậy, nhưng vẫn hy vọng một ngày nào đó với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó của người dân trong lao động, sản xuất và với những chính sách hỗ trợ, chương trình, dự án về phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước được triển khai, thực hiện hiệu quả.

Bởi điều thuận lợi nhất là hơn một năm nay bản đã có đường bê tông quang đãng giúp người dân đi lại dễ dàng; một số hộ có đất bạc màu đã được chuyển sang trồng cây dong riềng và cây sắn để mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân thì Nặm Cứm sẽ sớm được thoát nghèo./.

 

 

A Chư/DIENBIENTV.VN

.