Đẻ tại nhà - mối nguy hiểm khôn lường
Điện Biên TV - Với sự phát triển của xã hội và y học hiện nay cũng như công tác truyền thông y tế đã được quan tâm đẩy mạnh. Song, tình trạng sản phụ là chị em các dân tộc thiểu số vùng cao, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Mông vẫn lựa chọn cách tự sinh đẻ tại nhà không có sự trợ giúp của nhân viên y tế xã hay cô đỡ thôn bản. Đây thật sự là mối nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ và đứa con.
(Tác phẩm đạt giải Ba thể loại phóng sự 10' tại Liên hoan PT-TH Điện Biên lần thứ 29/2021)
Mẹ của hai cháu Ly Thị Hoa (8 tuổi) và cháu Ly Thị Nhung (5 tuổi), ở bản Tìa Ló B, xã Nong U, huyện Điện Biên Đông, là Giàng Thị Dếnh đã qua đời cách đây 4 năm sau lần sinh đứa em thứ 3. Theo lời kể của anh Ly A Di, bố của hai cháu, do chủ quan và chưa nhận thức được nên lúc sinh đứa con thứ 3 gia đình không đưa đi đẻ tại cơ sở y tế mà tự đẻ tại nhà, gia đình tự đỡ đẻ. Sau khi sinh em bé thì nhau thai không bong được. Do mất máu nhiều, bị kiệt sức và không xử lý được nhau thai nên người mẹ đã không thoát khỏi cửa tử, còn đứa con trai thì đã được đưa cho bên ngoại nuôi giúp.
Do thiếu hiểu biết và cả sự chủ quan của gia đình dẫn đến người mẹ phải mất mạng. Nay hai cháu Hoa và Nhung này đã không có được bàn tay nuôi nấng của mẹ và đang tuổi ăn, tuổi chơi nhưng phải tự chăm sóc nhau và giúp bố làm những công việc của người lớn. Việc nhóm bếp, nấu cơm, rửa bát hay cho lợn, gà ăn đã rất đỗi quen thuộc với cháu Hoa.
Mẹ mất khi sinh em thứ 3, hai cháu Hoa, Nhung (Bản Tìa Ló B, xã Nong U, huyện Điện Biên Đông) tự chăm sóc nhau và làm việc nhà. |
Còn với vợ chồng anh Vừ A Tùng và chị Ly Thị Sênh, ở bản Chua Ta, xã Phì Nhừ, cả 4 đứa con đều đẻ tại nhà và nhờ một bà thím ở cùng bản đỡ đẻ giúp và 2 trong 4 đứa con của chị là ngôi thai ngược. Sau khi sinh được thấy thai nhi yếu quá gia đình đã đưa đi cấp cứu tại trung tâm y tế huyện Điện Biên Đông, nhưng không cứu được, còn người mẹ đã may mắn thoát khỏi cửa “tử thần”. Do thiếu hiểu biết và một phần vì kinh tế gia đình khó khăn lo sợ tốn kém.
Một điều đáng thương và đáng trách nữa là từ khi mang thai đến khi sinh chưa lần nào chị Sênh đi khám thai nên không biết được những tháng cuối trước khi sinh thai đã xuôi hay chưa. Bị mất đứa con vừa mới lọt lòng, vợ chồng anh Tùng chị Sênh rất hối hận và khi biết thế, giá như… thì đã là quá muộn.
Dân gian có câu “gái chửa, cửa mả”, nhưng nguy hiểm hơn chính là những trường hợp sinh tại nhà không có sự trợ giúp của cán bộ y tế xã, cô đỡ thôn bản. Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ còn khá phổ biến tại các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông trong thời kỳ y học hiện đại nói chung và mạng lưới y tế cơ sở nói riêng đã có sự phát triển mạnh như hiện nay.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là nhận thức của người dân còn hạn chế, còn mang nặng những tư tưởng hủ tục lạc hậu cộng với đời sống kinh tế còn khó khăn… dẫn đến nhiều gia đình phải chứng kiến cảnh đau thương xé lòng khi mẹ hoặc con, hoặc cả hai mẹ con đều không qua khỏi ngưỡng "tử thần".
Tình trạng sinh con tại nhà còn diễn ra khá phổ biến trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ Mông. (Ảnh minh họa) |
Thực tế tình trạng đẻ tại nhà mà không có sự hỗ trợ nào của nhân viên y tế hay cô đỡ thôn bản đã và đang còn diễn ra khá phổ biến tại các xã bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông ở huyện Điện Biên Đông nói riêng và các bản làng vùng cao, vùng sâu trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung.
Vì vậy, để dần khắc phục tình trạng này UBND tỉnh Điện Biên đã có Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2020 quy định về chính sách hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nhưng thực tế hiện nay, hầu như ở các thôn, bản vùng cao vẫn chưa có cô đỡ thôn, bản.
Đây là vấn đề mà cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cô đỡ thôn, bản và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ theo quy định cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức và thấy được sự nguy hiểm của việc sinh đẻ tại nhà để giảm thiểu các trường hợp tử vong mẹ và con khi sinh.
A Di - A Chư/DIENBIENTV.VN