Vài nét về văn hóa người Tày ở Điện Biên

Thứ Ba, 19/09/2023, 18:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Người Tày ở Điện Biên có dân số không nhiều. Họ từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn chuyển đến sinh sống. Do sống xen kẽ với cộng đồng dân tộc Kinh và Thái nên một số nét văn hóa của người Tày Điện Biên đã có sự tiếp biến. Tuy vậy nhưng cộng đồng dân tộc Tày ở Điện Biên vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống làm nên sắc màu riêng nơi thung lũng Mường Thanh.

Lòng chảo Mường Thanh nơi có cánh đồng rộng lớn nhất khu vực Tây Bắc vốn là nơi quần cư của đồng bào dân tộc Thái. Qúa trình xây dựng và phát triển lòng chảo Mường Thanh có những cư dân từ các tỉnh miền xuôi lên khai hoang, phục hóa. Trong lịch sử hình thành và phát triển, lòng chảo Mường Thanh cũng đã đón nhận một số ít cư dân người Tày đến từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Theo một số người cao tuổi, nhóm người Tày đầu tiên di cư lên Điện Biên vào khoảng những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Người Tày ở Điện Biên cũng tự gọi mình là người Thổ. Dẫu gọi là người Tày, hay người Thổ thì vẫn là cách gọi chung chỉ cộng đồng dân tộc Tày. Hiện nay, người Tày ở Điện Biên sinh sống tập trung tại 4 bản của hai xã Thanh Chăn, Thanh Yên, huyện Điện Biên. Mỗi bản có 60 - 70 hộ dân. Ngoài ra, còn một số hộ sống rải rác trên địa bàn các xã, phường của TP. Điện Biên Phủ.

1
Những làn điệu dân ca, dân vũ trong Then vẫn đã và đang được khôi phục, gìn giữ.

Về tín ngưỡng, trong mỗi gia đình người Tày cũng thờ cúng ông bà tổ tiên như nhiều dân tộc khác. Trong cộng đồng thôn bản, người Tày có miếu thờ thổ công. Cứ vào mùng 1 Tết Nguyên Đán mỗi nhà sẽ dâng một mâm lễ vật tại miếu thờ thổ công. Thổ công là vị thần đất cai quản mảnh đất mà dân bản sinh sống. Khi đến một khu đất mới để lập bản, việc trước tiên của đồng bào Tày là chọn vị trí tốt nhất để lập miếu thờ Thổ công. Việc thờ cúng Thổ công còn mang ý nghĩa tưởng nhớ những người đầu tiên đã có công khai mường lập bản.

Trong đời sống của đồng bào Tày, Then có một vai trò hết sức đặc biệt. Hát Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Then được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn. Các ông Then, bà Then thông qua lời ca, tiếng hát, những làn điệu Then từ cây đàn tính để gửi gắm những ước nguyện của người dân đến thần linh. Do được thực hành trong đời sống, con người từ khi sinh ra đến mất đi đều gắn bó với các bài Then, với cây đàn tính nên giai điệu Then, tiếng đàn tính đã ngấm vào hơi thở trong cộng đồng người Tày. Ở bản Tày Pom Mỏ Thổ, những làn điệu dân ca, dân vũ trong Then vẫn đã và đang được các đội văn nghệ bản khôi phục, gìn giữ. Trong bản có 2 đội văn nghệ thường xuyên tập luyện và biểu diễn. Họ cũng chú trọng khôi phục lại những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình tạo nên những tiết mục mang màu sắc dân tộc Tày tham gia biểu diễn ở địa phương.

Trước sự phát triển của xã hội hiện đại, người Tày ở Điện Biên vẫn gìn giữ, bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Trong đó, việc bảo tồn, gìn giữ và sử dụng trang phục truyền thống của người Tày là một nét văn hóa độc đáo, có giá trị nghệ thuật luôn được người Tày trân trọng và phát huy.

1
Người Tày ở Điện Biên vẫn bảo tồn, gìn giữ và sử dụng trang phục truyền thống.

Trước đây khi mới di cư lên Điện Biên, cộng đồng người Tày ở nhà sàn - vốn là nét văn hóa lâu đời của họ. Nhưng ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội với những yếu tố tác động như: việc lấy vật liệu làm nhà sàn không còn dễ; quỹ đất dựng nhà không còn rộng, người Tày Điện Biên phần lớn đã ở nhà xây. Những nếp nhà sàn truyền thống đã vắng bóng. Cả bản Pom Mỏ Thổ bây giờ cũng chỉ còn 1 gia đình ở trong nếp nhà sàn. Những thế hệ trẻ người Tày ở Điện Biên hôm nay chỉ biết về nhà sàn truyền thống của dân tộc qua sự tìm tài liệu hay trong lời kể của ông bà cha mẹ.

Cộng đồng dân tộc Tày ở Điện Biên dẫu không nhiều nhưng họ vẫn luôn nổi bật với sắc màu văn hóa riêng có: Những bộ áo chàm truyền thống vẫn luôn hiện hữu đem lại nét duyên dáng cho các bà, các mẹ, các chị em; tiếng đàn tính cùng điệu Hát Then vẫn luôn âm vang góp phần làm cho lòng chảo Mường Thanh đậm đà thêm sắc màu văn hóa các dân tộc.

 

 


Hoàng Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN

 

.