Người lưu giữ nét văn hóa dân tộc Dao

Chủ Nhật, 12/06/2022, 11:16 [GMT+7]

Điện Biên TV -  Từ niềm đam mê với văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Dao, Nghệ nhân Ưu tú Phàn Quang Châu ở thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa đã dành cả đời để nuôi dưỡng tình yêu với những câu hát, những nét văn hóa và những nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Ông đang cố gắng truyền dạy những nét văn hóa dân tộc Dao cho con, cháu để cùng nâng niu, gìn giữ những nét văn hóa độc đáo đó không bị thời gian làm mai một.

Trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Dao Quần chẹt có một loại hình nhạc cụ không thể thiếu đó là chiếc trống có tang được làm bằng thân gỗ khoét rỗng. Trống không chỉ là nhạc cụ gõ có hình dạng khác lạ, độc đáo về cấu tạo chất liệu và âm sắc mà còn là một biểu tượng trong đời sống tâm linh của người Dao trên rẻo cao của huyện Tủa Chùa. Người Dao Quần chẹt thường dùng trống cùng với thanh la, chũm chọe tạo thành một dàn nhạc gõ để phục vụ trong các lễ tết, hội hè và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

1
Một buổi truyền dạy về cách đánh trống của Nghệ nhân Phàn Quang Châu cho người dân trong thôn.

Người Dao nơi đây vẫn luôn quan niệm rằng tiếng trống là biểu hiện tình cảm của người đang sống đối với tổ tiên, với thần linh vạn vật và vì vậy, trong các tập tục truyền thống trong cộng đồng văn hóa và tín ngưỡng người Dao trong vòng đời người đều không thể thiếu được tiếng trống.

Nghệ nhân Phàn Quang Châu đã tranh thủ các dịp lễ, tết, hay những ngày nông nhàn để truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho con cháu. Được sở hữu những cuốn sách cổ Nôm Dao của dân tộc mình, nhưng không chỉ giữ gìn, bảo vệ kho sách cổ đó, mà ông đã đọc, tìm hiểu, rồi lan tỏa những kiến thức quý giá đó ra cộng động. Nôm Dao là loại chữ tượng hình, khó viết, khó học. Mỗi người học thường phải theo từ 2 đến 3 năm liên tục mới có thể biết đọc, biết viết cơ bản và khó nhất là học các bài cúng để làm các nghi thức lễ khác nhau.

Anh Lý A Giảng, thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa: “Từ nhỏ tôi đã phải luyện tập theo phong tục tập quán của người Dao, đến già thì cũng không học được hết chữ nho thì phong tục tập quán mình không đọc được, nhưng mình cố gắng học, học được bao nhiêu, nhớ được bao nhiêu thì cứ làm và vừa làm vừa hỏi những người già”.

“Sau khi được Nhà nước công nhận văn hóa phi vật thể của dân tộc Dao tôi xin phép mở lớp để truyền thụ; trước thì không học tập trung, thanh niên nào thích thì học riêng; vừa qua được Nhà nước công nhận, tôi báo cáo lên xã, được xã, huyện nhất trí tôi mới mở lớp.” - Nghệ nhân Ưu tú Phàn Quang Châu, thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa nói.

1
Nghệ nhân Phàn Quang Châu tranh thủ những ngày nông nhàn truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc cho con cháu.

Đối với mỗi dân tộc, cách phân biệt dễ nhận thấy nhất đó là trang phục, nhất là trang phục của nữ; bằng những hiểu biết của mình, Nghệ nhân Phàn Quang Châu vẫn đang chỉ dạy về cách dệt vải và thêu những họa tiết trên trang phục truyền thống cho mọi người, nhất là đối với chị em phụ nữ.  

“Quần áo các con từ nhỏ đến lớn đều tự tay tôi may. Phụ nữ người Dao ai cũng được bà và mẹ truyền dạy lại cách thêu thùa quần áo, khăn, mũ cho các thành viên trong gia đình. Khi các con đi lấy chồng, làm dâu phải biết thêu may quần áo cho chồng, con và gia đình chồng. Giờ cuộc sống hiện đại, không mặc trang phục dân tộc thường xuyên thì ít nhất trong dịp lễ, Tết hay con gái khi đi lấy chồng phải có một bộ trang phục mới của dân tộc mình.”- bà Tẩn Thị Ọi, thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa chia sẻ.

Lưu giữ cả một kho tàng văn hóa người Dao, nghệ nhân Phàn Quang Châu luôn lo lắng ngày nào đó, khi ông không còn, những nét văn hóa này vì không có ai gìn giữ mà dần mất đi, bởi nhiều thanh niên bây giờ không biết nói tiếng Dao, không biết chữ Dao nên không đọc được sách, không biết được những tinh hoa của dân tộc mình, không hiểu ý nghĩa của những lời răn dạy, những nghi lễ truyền thống. Vì thế, ông vẫn đang cố gắng truyền dạy lại những gì mình biết về văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Phàn Quang Châu, thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa: “Văn hóa dân tộc tôi đã truyền lại cho các thế hệ để lưu giữ bản sắc của dân tộc không để mai một. Tôi đã truyền lại các nghi lễ của dân tộc, lễ hội, tập quán phong tục của dân tộc; nhiều người đã làm thầy không chỉ biết đọc mà còn viết được, lưu giữ được những nét văn hóa đó”.

Trải qua thời gian, cùng với sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan xuất phát từ chính nhu cầu của người dân, nên văn hóa truyền thống đồng bào Dao đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi theo hướng tích cực, gắn với việc bài trừ các hủ tục lạc hậu là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu xây dựng đời sống văn hóa mới. Những gì mà Nghệ nhân Phàn Quang Châu đang làm rất cần được gìn giữ và phát huy. Qua đó để văn hóa truyền thống dân tộc Dao hòa quyện và trở thành một phần của bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 

 

Tuấn Trung – Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN

.