4 triệu ca nghi nhiễm COVID-19 ở Triều Tiên, Bắc Kinh (Trung Quốc) dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế
Đến sáng 6/6, thế giới có trên 535,28 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,32 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Đến nay, hơn 535,28 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP) |
Tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản ổn định tại nhiều nước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người có kháng thể đã đạt tới khoảng 2/3 dân số toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn là một thách thức, các nước không thể chủ quan khi dịch bệnh vẫn có dấu hiệu gia tăng và tiềm ẩn sự xuất hiện của các biến thể mới.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 86,51 triệu ca mắc và hơn 1,033 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 8.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Vaccine do hãng Novavax (Mỹ) đã được cấp phép sử dụng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, để ngừa bệnh COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chuyên gia đang cân nhắc việc sử dụng loại vaccine này tại Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine của Novavax. Trước đó, các chuyên gia cũng đã xác định nguy cơ viêm cơ tim ở mức thấp sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer hoặc Moderna bào chế, đặc biệt là ở nam giới trẻ tuổi.
Một ủy ban độc lập đã được triệu tập vào ngày 31/5 vừa qua theo yêu cầu của FDA nhằm đánh giá dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng của vaccine ngừa COVID-19 do Novavax sản xuất và đưa ra khuyến nghị về loại vaccine này. Ngày 3/6, FDA đã công bố một tài liệu phân tích những kết quả đánh giá, giống như cơ quan này đã thực hiện đối với 3 loại vaccine ngừa COVID-19 khác trước khi cấp phép sử dụng trong nước, trong đó đề cập nguy cơ viêm cơ tiêm sau khi tiêm vaccine của Novavax.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,17 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 524.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ đang có xu hướng gia tăng. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 6.200 ca mắc mới, mức cao nhất trong gần một tháng qua. Phần đông số ca nhiễm mới tại Ấn Độ được ghi nhận ở thành phố Mumbai.
Với tình hình số ca nhiễm đã ít hơn so với thời kỳ cao điểm và Chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế, người dân Ấn Độ đã không chấp hành việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn để phòng ngừa virus lây lan. Chính vì vậy, nhà chức trách Ấn Độ kêu gọi người dân không từ bỏ các biện pháp phòng dịch thiết yếu, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ đang tăng lên trong thời gian gần đây. (Ảnh: AP) |
Ấn Độ đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Biological E làm mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm liều cơ bản bằng các vaccine khác. Đây là lần đầu nước này cho phép tiêm kết hợp vaccine làm mũi tăng cường. Biological E cho biết, Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng vaccine Corbevax làm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên đã từng tiêm 2 mũi vaccine Covishield của AstraZeneca và Covaxin của Bharat Biotech.
Ấn Độ, quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ ba trên thế giới, đã thực hiện hơn 1,87 tỷ mũi tiêm trong nỗ lực tiêm 2 mũi vaccine cho những người từ 12 tuổi trở lên.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 667.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,15 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Số ca COVID-19 ở Pháp bắt đầu tăng trở lại. Cơ quan Y tế Công cộng của Pháp cho biết, số ca COVID-19 ở nước này đã tăng trở lại với mức trung bình khoảng 20.000 ca/ngày trong 7 ngày qua sau nhiều tháng giảm mạnh. Guillaume Spaccaferri, nhà dịch tễ học của cơ quan này phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây rằng, tình hình trên có khả năng do một biến thể Omicron mới và việc kết thúc tất cả các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 ở Pháp.
Hiện Pháp ghi nhận trên 29,62 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm hơn 148.400 trường hợp thiệt mạng.
Các nhà nghiên cứu Australia cho rằng, hàng triệu bệnh nhân COVID-19 trên thế giới có thể đã không được chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh về thận nguy hiểm chết người. Tổn thương thận nghiêm trọng (AKI) xảy ra khi cơ quan này bỗng dưng không lọc máu nữa, đôi khi dẫn tới cơ thể suy nhược hoặc thậm chí tử vong. Trường hợp này thường có nguyên nhân là các biến chứng của các bệnh nghiêm trọng khác.
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Queensland, cũng là chuyên gia về thận Marina Wainstein cho biết, các số liệu hiện có cho thấy, khoảng 20% bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện đã có các tổn thương AKI và con số này là 40% đối với những người phải điều trị tích cực.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 5/6 đưa tin, nước này ghi nhận thêm gần 74.000 ca nghi nhiễm COVID-19 trong vòng 24 giờ qua. Như vậy, tổng số trường hợp bị sốt tại nước này trong đợt bùng phát dịch từ giữa tháng 5 đến nay đã vượt lên mốc 4 triệu người trên tổng dân số 25 triệu.
Thông tin của KCNA trích dẫn số liệu từ cơ quan ngăn ngừa dịch bệnh khẩn cấp của Chính phủ Triều Tiên, nhưng không cho biết số ca tử vong được xác định liên quan đến dịch COVID-19. Theo KCNA, số ca sốt theo ngày ở Triều Tiên đã giảm khoảng 6% kể từ ngày 15/5 vừa qua nhờ kết quả của chiến dịch chống dịch được thực hiện ở nước này. Ngày 12/5 vừa qua, Triều Tiên đã thông báo trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 ở nước này.
Ngày 5/6, giới chức thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, từ tuần tới sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19. Cụ thể, người dân Bắc Kinh sẽ được phép đi làm trực tiếp trở lại và trường học sẽ mở cửa trở lại từ ngày 13/6. Cũng từ ngày 6/6, các nhà hàng, quán ăn có thể phục vụ khách tại chỗ, trong khi hoạt động vận tải hành khách công cộng được khôi phục bình thường. Người dân Bắc Kinh được yêu cầu cung cấp chứng nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ khi vào nhà hàng, quán ăn, địa điểm công cộng hoặc khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, hai quận của Bắc Kinh gồm Phong Đài và Xương Bình sẽ vẫn duy trì các biện pháp hạn chế để phòng dịch.
Thành phố Bắc Kinh đã dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19. (Ảnh: AP) |
Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế trong những ngày gần đây sau khi tình hình dịch COVID-19 có những dấu hiệu cải thiện.
Thành phố Thượng Hải cũng đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó người dân đã có thể tự do đi lại kể từ ngày 1/5 vừa qua, sau hai tháng tuân thủ lệnh phong tỏa để phòng dịch. Tuy nhiên, hiện hàng trăm nghìn người vẫn đang thực hiện cách ly do có tiếp xúc gần với các ca mắc COVID-19.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, ngày 5/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 162 ca mắc mới, trong đó 56 người có triệu chứng và 106 trường hợp không triệu chứng, giảm so với 171 ca trong ngày trước đó. Số ca tử vong vì COVID-19 vẫn giữ nguyên ở mức 5.226 bệnh nhân. Tính đến ngày 5/6, Trung Quốc đại lục có 224.310 ca mắc COVID-19 có triệu chứng.
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết sẽ phân phối khoảng 100.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh virus SARS-CoV-2 cho người dân một số khu vực nhằm truy vết các ca mắc COVID-19. Trước đó, nhà chức trách Hong Kong vẫn phát hiện virus SARS-CoV-2 trong mẫu nước thải của các khu vực này.
Các bộ xét nghiệm sẽ được phân phát cho cư dân, nhân viên vệ sinh và nhân viên quản lý bất động sản tại các khu vực Kwun Tong và Wong Tai Sin, những nơi kết quả xét nghiệm nước thải cho thấy có tải lượng virus cao. Chính quyền Hong Kong kêu gọi những người sử dụng bộ xét nghiệm nếu có kết quả dương tính cần nhanh chóng thông báo qua các nền tảng trực tuyến của cơ quan chức năng.
Nhằm đối phó với làn sóng dịch COVID-19 hiện nay, Cơ quan Bảo vệ môi trường và Dịch vụ thoát nước tại Hong Kong đã đẩy mạnh việc xét nghiệm mẫu nước thải tại tất cả các khu vực của đặc khu.
Về tình hình dịch COVID-19, trong ngày 5/6, Hong Kong ghi nhận 515 ca mắc mới và 4 trường hợp tử vong do COVID-19.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/4-trieu-ca-nghi-nhiem-covid-19-o-trieu-tien-bac-kinh-trung-quoc-do-bo-nhieu-bien-phap-han-che-20220605200635213.htm
Theo VTV