Điện Biên: Bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng

Chủ Nhật, 05/06/2022, 17:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng và đã ghi nhận ca bệnh biến chứng hệ thần kinh phải chuyển tuyến Trung ương để điều trị.

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, đa số các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị với tình trạng sốt cao li bì, đau rát miệng, ăn kém, tiêu chảy. Trong khoang miệng, lưỡi và tay, chân có nhiều mụn nước.

Bà Phạm Thị Loan, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên chia sẻ: “Triệu chứng của cháu ban đầu là bỏ ăn, không ăn. Khoảng 1, 2 hôm sau có biểu hiện mọc mụn, mụn trắng trong miệng, lưỡi, 2 bên lợi. Xong 3, 4 ngày mới biểu hiện sốt, cháu sốt rất cao lên 41 độ. Mình cho uống hạ sốt cũng không xuống đâu. Vào các bác sĩ đầu tiên là truyền để hạ sốt, kê đơn để mua thêm thuốc bôi miệng và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.”

Riêng trong tháng 5, Khoa đã tiếp nhận điều trị cho 20 ca mắc bệnh tay chân miệng, bằng với số ca mắc trong cả năm 2021. Đa phần, trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ và trung bình; 1 trường hợp diễn biến nặng gây biến chứng hệ thần kinh phải chuyển tuyến Trung ương điều trị.

x
Riêng trong tháng 5, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận điều trị cho 20 ca mắc bệnh tay chân miệng, bằng với số ca mắc trong cả năm 2021.

Bác sĩ Hoàng Thị Hồng Thơm, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết: “Hiện tại, bệnh tay chân miệng tăng rất cao do đang trong giai đoạn vào mùa của bệnh tay chân miệng. Thường những trẻ vào Khoa Truyền nhiễm có triệu chứng sốt, nôn, tiêu chảy, viêm loét miệng, ăn kém. Tại Khoa có bệnh nhân chuyển biến nặng, biến chứng về thần kinh đã chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị tiếp.”

Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt, nôn, tiêu chảy; trong khoang miệng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối xuất hiện các mụn nước. Theo chu kỳ hàng năm, dịch thường bùng phát từ tháng 4 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 12. Hiện đang bước vào chu kỳ của dịch nên bệnh có khả năng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp.

“Bệnh tay chân miệng sẽ có những biến chứng nặng ở trẻ em, vì vậy khi trẻ có các triệu chứng như sốt, nôn, tiêu chảy, mụn loét ở vùng miệng, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, co giật, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim.” - Bác sĩ Hoàng Thị Hồng Thơm khuyến cáo.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, khi phát hiện trẻ em mắc bệnh, các gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, để được hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị kịp thời. Cùng với đó, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. Thực hiện vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát và lau dọn đồ dùng, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

 

 

Hoàng Út - Duy Hải/DIENBIENTV.VN

.