Nga chưa có dấu hiệu "hụt hơi" bởi các lệnh trừng phạt, OPEC+ có khả năng tăng sản lượng dầu

Thứ Sáu, 29/04/2022, 07:02 [GMT+7]

Dù giữa "bão" trừng phạt từ các nước phương Tây, nhưng đồng ruble Nga đã hồi phục gần như hoàn toàn về mức trước khi xảy ra chiến sự.

Tổ chức các xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) có khả năng sẽ bám sát các thỏa thuận hiện tại và tăng sản lượng dầu lên thêm 432 nghìn thùng/ngày vào tháng 6. Reuters cho biết, theo thỏa thuận đạt được vào tháng 7 năm ngoái, OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 432 nghìn thùng/ngày trong mỗi tháng cho đến cuối tháng 9 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau đại dịch. Tuy nhiên, OPEC+ sau đó đã không đạt được các mục tiêu đưa ra. Trong tháng 3, sản lượng sản xuất dầu mỏ của OPEC+ là 1,45 triệu thùng/ngày, thấp hơn mục tiêu đề ra do sản lượng của Nga giảm.

Theo các nhà phân tích, nhu cầu dầu vẫn sẽ tăng khi mà nguồn cung vẫn khan hiếm, do xuất khẩu nhiên liệu từ Trung Quốc giảm và dòng chảy thương mại dầu của Nga bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt quốc tế. Quyết định về việc tăng sản lượng của OPEC+ sẽ được đưa ra tại cuộc họp của nhóm này, dự kiến diễn ra hôm 5/5 tới.

Khác biệt quan điểm trong chi trả đồng ruble

Vấn đề năng lượng và khí đốt vẫn là quân át chủ với người Nga trong mối quan hệ ràng buộc hiện nay giữa Nga và các quốc gia châu Âu. Vấn đề này một lần nữa đặc biệt nóng lên trong tuần qua, khi ngày 26/4, Nga tuyên bố sẽ sớm triển khai cơ chế thanh toán mới, thực hiện sắc lệnh của Tổng thống Putin yêu cầu các khách hàng mua khí đốt của nước này phải thanh toán bằng đồng ruble.

1

Phản ứng ngay tức thì tại châu Âu cho thấy, đây tiếp tục là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nội bộ khu vực. Ba Lan và Bulgaria tuyên bố từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble. Hệ quả, tập đoàn Gazprom, nhà cung cấp khí đốt chính của Nga sang châu Âu xác nhận, họ đã đình chỉ hoàn toàn việc cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan.

Mới nhất, Phần Lan cũng cho biết từ chối thanh toán tiền khí đốt bằng ruble. Trong khi đó, Hungary xác nhận chấp thuận trả ruble nhập khẩu khí đốt, theo kế hoạch Moscow đưa ra. Còn theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn dầu khí quốc doanh Eni của Italy cũng đang chuẩn bị mở tài khoản bằng đồng ruble tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán mua khí đốt Nga.

Giá khí đốt châu Âu tăng vọt

Giá khí đốt ở châu Âu tăng khoảng 25% lúc mở cửa phiên giao dịch hôm 27/4, sau khi Nga xác nhận cắt nguồn cung sang Ba Lan và Bulgaria vì hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Giá tăng do tâm lý lo ngại chuyện Nga khóa van khí đốt với Ba Lan và Bulgaria sẽ tác động dây chuyền, thu hẹp nguồn cung nói chung tại khu vực. Nhưng con số này cũng như một phép thử tâm lý để thấy áp lực nguồn cung từ Nga vẫn lớn ra sao tại châu Âu.

1

Động thái châu Âu khi Nga khóa van khí đốt

Ủy ban châu Âu (EC) trước đó từng khuyến nghị các thành viên liên minh châu Âu không nên thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble. EC nhấn mạnh rằng, việc tuân theo yêu cầu đó có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của EU với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Nhưng thực tế theo góc nhìn của các nước châu Âu, đang có các cách diễn giải khác nhau với hướng dẫn ban đầu của EC. Châu Âu vẫn đang tìm kiếm những giải pháp tạm thời cho tình hình nguồn cung khí đốt hiện nay.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Brussels đưa ra hướng dẫn mới cụ thể hơn về việc liệu họ có thể tiếp tục thanh toán hợp đồng bằng ruble mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của khối hay không. EC chưa đưa ra bình luận nào, nhưng dự kiến sớm tổ chức hội nghị thảo luận tình hình.

Bà Ursula Von De Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định: "Chúng tôi sẽ đảm bảo để các quyết định của Gazprom sẽ tác động ít nhất đến người tiêu dùng châu Âu. Sẽ không có chuyện châu Âu chia rẽ vì vấn đề này".

Một nguồn tin của Reuters lại cho biết, Ủy ban châu Âu EC đã gửi thư tới các nước thành viên, nêu phương án thanh toán tiền nhiên liệu từ Nga bằng ruble mà vẫn không vi phạm các chế tài áp đặt.

1
Bà Ursula Von De Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu

Quan điểm từ phía Nga cho rằng, EU về cơ bản đã ngầm chấp nhận chuyện, chưa thể nào ngừng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga, nên sẽ không có chuyện tất cả các thành viên đều từ chối thanh toán bằng ruble. Hãng tin TASS của nước này công khai nhận định, châu Âu đang lách luật bằng cách đẩy mạnh nhập khẩu thông qua các nước chấp nhận trả bằng đồng ruble.

Nga chưa có dấu hiệu "hụt hơi" bởi các lệnh trừng phạt

Kể từ chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt chủ yếu đánh vào kinh tế Nga. Quy định của Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng ruble tạo ra một tình huống pháp lý mới, cho phép Nga điều tiết tỷ giá hối đoái theo hướng có lợi hơn cho mình. Trên thực tế, đến nay dù giữa bão trừng phạt, đồng ruble Nga đã hồi phục gần như hoàn toàn về mức trước khi xảy ra chiến sự. Một lý do quan trọng trong đó là vì nước này vẫn có vai trò quá lớn trong vấn đề năng lượng toàn cầu.

Nga được cho là thu về 65 tỷ USD nhờ xuất khẩu năng lượng trong hai tháng qua, tăng gần gấp đôi so với trước khi diễn ra chiến dịch ở Ukraine. Dù châu Âu tìm cách thoát phụ thuộc, nhưng do giá năng lượng tăng cao, nên nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá cũng tăng mạnh theo. Giá trị nhập khẩu nhiêu liệu hóa thạch từ Nga của Liên minh châu Âu đạt 46 tỷ USD trong hai tháng chiến sự, so với trung bình 12,6 tỷ USD/tháng năm 2021. Nga dự kiến năm nay, giá trị xuất khẩu năng lượng đạt 300 tỷ USD.

1

Ngân hàng Trung ương Nga cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ. Các công ty phải chuyển 80% thu nhập từ xuất khẩu thành đồng ruble, lãi suất tăng lên 17% để khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm bằng nội tệ.

Sự hồi phục đồng ruble không có nghĩa kinh tế Nga hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Các quan chức nước này cũng dự đoán nền kinh tế sẽ suy giảm ít nhất 10% trong năm nay.

Với kinh tế Nga, lo ngại được cho lại đến từ góc độ dài hạn, khi về lâu dài đầu tư bị ảnh hưởng mạnh, hoặc tác động từ các lệnh trừng phạt đến thương mại ngày càng thấm. Tuy nhiên, ít nhất cho đến nay, các đòn trừng phạt kinh tế cho thấy dường như chưa đủ sức nặng để tác động lên các quyết định của Chính phủ Nga. Nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu dầu khí vẫn đang góp phần lớn duy trì sự ổn định của nền tài chính quốc gia và Nga do vậy cũng chưa có dấu hiệu cho thấy hụt hơi trong các diễn biến quân sự trên thực tế.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/nga-chua-co-dau-hieu-hut-hoi-boi-cac-lenh-trung-phat-opec-co-kha-nang-tang-san-luong-dau-20220428224135444.htm

 

 

Theo VTV

 

.