Số ca mắc mới do biến thể Delta tăng mạnh ở nhiều quốc gia, dịch diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á

Thứ Bảy, 10/07/2021, 10:24 [GMT+7]

 

d
Hơn 186,6 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Đến sáng 10/7, thế giới có trên 186,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,03 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 34,69 triệu ca mắc và hơn 622.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 17.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Với tỷ lệ tiêm vaccine đạt hơn 70%, thành phố New York, Mỹ đã mở cửa hoàn toàn các dịch vụ. Những yêu cầu về phòng dịch cũng đã được nới lỏng với các du khách. Tất cả là để cứu nền kinh tế vốn dựa chủ yếu vào khách du lịch và cũng là để người dân dần quen với việc phải sống chung với virus.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/7, nước này ghi nhận hơn 39.100 ca mắc mới COVID-19 và 1.165 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,79 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 407.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Sự xuất hiện của các biến thể Delta và Delta Plus của virus SARS- CoV-2 một lần nữa đặt Ấn Độ vào tình trạng cảnh giác cao độ. Hai tuần sau khi Chính phủ Ấn Độ xếp biến thể COVID-19 Delta Plus vào danh sách " đáng quan ngại", các chuyên gia y tế cho biết, Delta Plus, được đặt tên kỹ thuật là B.1.617.2.1 hoặc AY.1, thực ra là thế hệ tiếp theo của biến thể Delta, vốn được phát hiện lần đầu tại bang Maharastra của nước này hồi tháng 10/2020 và giờ đã có mặt tại ít nhất 96 quốc gia trên thế giới. Ca nhiễm biến thể Delta Plus đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vào ngày 11/6, đặt ra một thách thức mới, bất chấp việc nước này đang triển khai tiêm chủng đại trà.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 530.300 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18,9 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Nga ghi nhận 25.766 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 7/9. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày tại nước này kể từ đầu tháng 1/2021. Biến thể Delta là nguyên nhân gây ra tình trạng lây nhiễm tăng cao tại Nga trong thời gian qua. Nga đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng thông qua nhiều hình thức, cả khuyến khích và bắt buộc. Theo giới chức Nga, tiêm phòng là cách duy nhất để chống lại đại dịch một cách hiệu quả. Hiện gần 30 triệu người Nga đã được tiêm chủng.

d
Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba do biến thể Delta Plus. (Ảnh: AP)

Biến thể Delta sẽ chiếm phần lớn các ca nhiễm COVID-19 mới tại Pháp từ cuối tuần này, đây là cảnh báo được Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran đưa ra vào ngày 9/7. Theo ông Veran, hiện biến thể Delta đã chiếm gần một nửa số ca nhiễm mới COVID-19 ở nước này và đang đe dọa tạo ra làn sóng dịch mới. Giới chức y tế Pháp kêu gọi người dân đi tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Ngày 12/7, các quan chức cấp cao Pháp sẽ họp để thảo luận về các kịch bản có thể xảy ra. Hiện 35% dân số Pháp đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Đức đã đưa tất cả các vùng của Tây Ban Nha vào danh sách các nước và khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19. Theo đó, tất cả hành khách nhập cảnh và công dân Đức trở về từ nước này phải trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong thông báo ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Đức cho biết, quyết định trên có hiệu lực từ ngày 11/7, áp dụng với cả các quần đảo Balearic và Canary nổi tiếng của Tây Ban Nha.

Tỷ lệ mắc COVID-19 của Tây Ban Nha đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một tuần do biến thể Delta lây lan nhanh ở những người trẻ tuổi chưa được tiêm phòng. Trước đó, chỉ một số vùng của Tây Ban Nha bị đưa vào "danh sách đỏ" của Đức.

Truyền thông Hà Lan đưa tin, Chính phủ nước này dự kiến tái áp đặt những biện pháp phòng dịch tại các câu lạc bộ khiêu vũ, lễ hội âm nhạc từ ngày 9/7 nhằm ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 gia tăng ở nhóm người trưởng thành trẻ tuổi. Trước đó, ngày 26/6, Hà Lan đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp phong tỏa khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm và có khoảng 2/3 dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tuy nhiên, với việc các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm được mở cửa trở lại, số người mắc mới ở nước này đã tăng gấp 2 lần, lên 8.000 ca trong tuần kết thúc vào ngày 6/7.

Ngày 9/7, Bộ Y tế Cuba (Minsap) công bố con số lây nhiễm trong ngày cao chưa từng thấy kể từ đầu mùa dịch với 6.422 ca dương tính với SARS-CoV-2. Thông báo cập nhật của Minsap cho biết, cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong do dịch COVID-19 là 26 người, cũng là con số kỷ lục ghi nhận trong ngày. Theo Minsap, hơn một nửa số ca nhiễm ghi nhận trong 24 giờ qua là tại tỉnh miền Tây Matanzas (3.559 ca), tâm chấn mới của dịch bệnh tại đảo quốc Caribe. Ngoài ra, thủ đô La Habana đã có dấu hiệu tăng trở lại tình trạng lây nhiễm sau nhiều ngày ghi nhận các con số giảm.

Dịch bệnh COVID-19 đang khiến các nước Đông Nam Á đối mặt với các con số kỷ lục về số ca nhiễm mới và tử vong. Tình trạng thiếu vaccine COVID-19 trong khi các biến thể lây lan nhanh chóng khiến nỗ lực dập dịch trở nên khó khăn...

Malaysia ghi nhận 9.180 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 9/7, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 817.838 ca. Đây là lần thứ 2 số ca nhiễm mới trong ngày ở Malaysia vượt mức 9.000 người/ngày, sau lần tăng lên 9.020 trường hợp vào ngày 29/5. Bộ Y tế Malaysia cho biết, trong ngày 9/7, bang Selangor tiếp tục đứng đầu Malaysia về số ca nhiễm mới (4.400 trường hợp), tiếp đó là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur (1.271) và bang Nigeri Sembilan (899).

Bộ Y tế Philippines thông báo, nước này có thêm 5.881 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên hơn 1,46 triệu ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 70 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 25.720 người. Philippines có hơn 110 triệu dân, đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 14 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào tháng 1/2020.

Cùng ngày, Indonesia ghi nhận thêm 38.124 ca nhiễm và 871 người tử vong do COVID-19. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, Bộ trưởng Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, nước này sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế khẩn cấp tại một số khu vực bên ngoài đảo Java và Bali nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Indonesia đã đặt mua 10.000 máy tạo oxy từ Singapore. Khoảng 600 máy tạo oxy từ Trung Quốc hiện đang được chuẩn bị chuyển tới Indonesia. Bên cạnh đó, để ngăn chặn dịch bệnh, ngoài việc mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động, Chính phủ Indonesia đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Đến nay, hơn 14 triệu người dân Indonesia đã được tiêm đầy đủ các liều vaccine ngừa COVID-19.

Ngày 9/7, Indonesia đã nhận được các thiết bị bảo hộ và cung cấp oxy y tế cần thiết mà nước láng giềng Singapore hỗ trợ hệ thống y tế đang quá tải của nước này trong bối cảnh Indonesia gồng mình đối phó với làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh chưa từng thấy.

d
Thái Lan áp đặt lệnh phong tỏa ở thủ đô Bangkok trong 2 tuần. (Ảnh: AP)

Thái Lan đã quyết định phong tỏa 14 ngày ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có số ca nhiễm mới và tử vong cao do COVID-19. Quyết định phong tỏa thủ đô Bangkok và các tỉnh nằm trong vùng đỏ chính thức có hiệu lực từ ngày 12/7. Theo đó, thủ đô Bangkok và các tỉnh này sẽ thực hiện lệnh giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 4h sáng hôm sau, người dân được yêu cầu hạn chế di chuyển ra khỏi nhà, trừ trường hợp cần thiết.

Các biện pháp khác cũng được áp dụng gồm hạn chế di chuyển ra khỏi khu vực Bangkok mở rộng, đóng cửa các cửa hàng mua sắm trừ siêu thị và cửa hàng thuốc. Cùng với đó, Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, người dân làm việc tại nhà và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; đồng thời đẩy nhanh tiêm vaccine cho những người cao tuổi và người có bệnh nền.

Ngày 9/7, Thái Lan thông báo có thêm 72 trường hợp tử vong vì COVID-19, trong đó có 39 ca ở Bangkok. Như vậy, kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 317.506 ca mắc và 2.534 người tử vong. Hiện có 74.895 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 2.685 bệnh nhân nặng và 701 người phải phụ thuộc vào máy thở.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Campuchia, trên phạm vi cả nước, tính đến tối 8/7, tổng cộng 4.750.265 người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, tương đương 47,5% trong tổng số 10 triệu người dự kiến được tiêm phòng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng tại Phnom Penh đã kết thúc ngày 8/7 với hầu hết người dân sinh sống tại đây đã được tiêm phòng và không có trường hợp sốc phản vệ nguy hiểm nào.

Bộ Y tế Lào ngày 9/7 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 68 ca mắc COVID-19 mới; trong đó có tới 67 ca là người nhập cảnh được cách ly ngay và chỉ có 1 ca lây nhiễm cộng đồng tại tỉnh Vientiane. Theo Bộ Y tế Lào, mặc dù số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng đã giảm nhưng nước này vẫn có nguy cơ bùng phát dịch lớn do sự gia tăng các ca mắc mới ở các nước láng giềng. Đặc biệt, ngày càng có nhiều lao động Lào ở Thái Lan muốn về nước và có thể mang theo virus SARS-CoV-2. Theo con số thống kê, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.537 ca mắc COVID-19 và 3 trường hợp tử vong.

Khu vực thủ đô Seoul của Hàn Quốc và vùng phụ cận sẽ giãn cách xã hội ở mức cao nhất trong 2 tuần bắt đầu từ ngày 12/7 tới. Quyết định trên được Chính phủ Hàn Quốc đưa ra vào ngày 9/7 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở nước này trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở Seoul.

Theo đó, các cuộc tụ tập riêng tư từ 3 người trở lên sẽ bị cấm sau 18h và các trường học sẽ đóng cửa. Đám cưới và đám tang chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình.Cơ sở thể thao, giải trí, trong đó có câu lạc bộ đêm, quán rượu sẽ phải đóng cửa, trong khi nhà hàng sẽ được phép tiếp khách đến 22h. Riêng ngày 9/7, Hàn Quốc ghi nhận 1.316 ca mắc COVID-19, mức cao nhất trong 6 tháng qua.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 tại Thủ đô Tokyo và thực hiện các biện pháp trọng điểm tại một số địa phương khác để phòng chống dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại tại các địa phương này.

Theo quyết định, tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng tại Tokyo từ ngày 12/7 đến ngày 22/8 tới, trong khi đó tình trạng khẩn cấp tại Okinawa cũng được kéo dài trong thời gian trên. Ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản quyết định sẽ thực hiện các biện pháp trọng điểm tại 4 địa phương khác là Saitama, Chiba, Kanagawa và Osaka. Ban tổ chức Olympic Tokyo thông báo sẽ không cho phép khán giả theo dõi tại các địa điểm thi đấu ở Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Saitama, Chiba và Kanagawa.

Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại, chính quyền các địa phương kêu gọi người dân hợp tác, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp mạnh để phòng dịch như giới hạn thời gian tổ chức các sự kiện trước 21h cũng như giới hạn số người tham gia các sự kiện dưới 5.000 người hoặc 50% sức chứa của nơi tổ chức sự kiện; yêu cầu các nhà hàng ngừng phục vụ đồ uống có cồn sau 19h, các nhà hàng không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định.

Hiện số người nhiễm mới COVID-19 tại Tokyo đã lên tới hơn 900 người/ngày, có nhiều trường hợp liên quan tới biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh. Do đó, theo các chuyên gia y tế, việc ban bố tình trạng khẩn cấp là điều cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/so-ca-mac-moi-do-bien-the-delta-tang-manh-o-nhieu-quoc-gia-dich-dien-bien-phuc-tap-tai-dong-nam-a-20210709202630397.htm

 

 

Theo VTV

.