Thế giới ghi nhận 139 triệu ca COVID-19, ca nhiễm mới tăng ở nhiều nước châu Á
Người mẹ ôm con khi nhân viên y tế lấy xét nghiệm COVID-19 tại Ahmedabad, ngày 9/4 - Ảnh: Reuters |
Tính đến sáng 16/4, thế giới đã ghi nhận 139 triệu ca COVID-19, trong đó có hơn 2,9 triệu trường hợp tử vong.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 578.125 ca tử vong trong tổng số 32.152.620 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 173.451 ca tử vong trong số 14.147.568 ca bệnh. Đứng thứ ba là Brazil với 362.180 ca tử vong trong số 13.677.564 bệnh nhân.
Tại châu Âu, Đức ghi nhận 29.426 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 8/1, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 3 triệu ca. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Đức đang tìm cách thúc đẩy các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc nhằm kiềm chế làn sóng dịch bệnh thứ ba.
Ireland đang có kế hoạch nới lỏng các hạn chế do tình hình dịch bệnh được cải thiện đáng kể. Theo đó sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 4/5 cho phép các cửa hàng bán lẻ, một số cửa hàng dịch vụ được mở cửa trở lại và từng bước triển khai kế hoạch mở cửa sâu rộng hơn trong tháng 6 và tháng 7 tới. Trong tuần này, Ireland đã cho phép sinh viên quay trở lại trường học.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kyoto, Nhật Bản, ngày 9/4/2021. (Ảnh: Kyodo/ TTXVN) |
Tình hình dịch bệnh ở nhiều nước châu Á vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tiếp tục tăng cao trong 24 giờ qua. Cụ thể, Thái Lan ghi nhận 1.543 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp; Philippines 11.429 ca; Campuchia 344 ca...
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng cao ở nhiều tỉnh, thành. Tỉnh Osaka ghi nhận 1.208 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước tới nay; thủ đô Tokyo với 729 ca, cao nhất kể từ ngày 4/2 – thời điểm thành phố này vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ cho phép chính quyền 3 tỉnh Saitama, Kanagawa và Aichi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm vào tuần tới cùng với 6 tỉnh, thành đã triển khai các biện pháp này. Ngoài ra, theo các quan chức Chính phủ Nhật Bản, tỉnh Chiba có thể sẽ nằm trong danh sách này nếu thống đốc tỉnh đề nghị.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô New Delhi vào cuối tuần này nhằm khống chế dịch COVID-19. Theo đó, các trung tâm thương mại, phòng tập thể thao, dịch vụ ăn uống phục vụ tại nhà hàng,... sẽ phải ngừng hoạt động vào cuối tuần.
Cảnh sát phong tỏa một tuyến đường ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) để phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: KHMER TIMES |
Tại Campuchia, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã quyết định đóng cửa 14 ngày tất cả các nhà máy để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 lây lan. Cùng lúc, Tỉnh trưởng tỉnh Kandal, ông Kong Sophorn cũng cho biết chính quyền tỉnh này đã tổ chức thanh tra và đóng cửa bất kỳ nhà máy nào được cho là có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho các công nhân để phòng bùng phát dịch.
Tại Malaysia, do số ca nhiễm mới tăng mạnh trong hai tuần qua, 7/10 quận thuộc bang Kelantan ở Malaysia sẽ phải thực hiện trở lại Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 16-29/4. Trong thời gian áp đặt MCO, giữa các quận thuộc Kelantan và ranh giới Kelantan với các bang khác sẽ được thiết lập chướng ngại vật, tất cả các hoạt động kinh tế thương mại đều phải được cấp phép mới được vận hành.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/the-gioi-ghi-nhan-139-trieu-ca-covid-19-ca-nhiem-moi-tang-o-nhieu-nuoc-chau-a-20210416062951327.htm
Theo VTV