Khó truy tố đối tượng mua bán người

Thứ Tư, 14/04/2021, 15:45 [GMT+7]

Điện Biên TV - Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào dân tộc Mông, các đối tượng mua bán người đã sử dụng các thủ đoạn tán tỉnh yêu đương rồi lừa bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới. Tuy nhiên, việc khởi tố các đối tượng mua bán người lại rất khó khăn bởi khi đưa nạn nhân ra khỏi địa bàn tỉnh mới cấu thành mua bán người. Trong khi đó, đa số các nạn nhân trở về địa phương mới phát hiện nên việc truy tố đối tượng gặp khá nhiều khó khăn.

1
Lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kẻ xấu đã dụ dỗ lừa đưa 2 cô con dâu của bà My (áo đen) sang bên kia biên giới.

Hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, không có công việc ổn định nên khi có người giới thiệu công việc với mức lương cao ở bên kia biên giới, hai chị em Quàng Thị Bên và Lò Thị Nguyệt, xã Na Sang, huyện Mường Chà đã vượt biên trái phép để đi lao động làm thuê.

Bà Lò Thị My, mẹ chồng của hai chị em Bên, Nguyệt cho biết, vào khoảng tháng 5/2020, có một người đàn ông xưng tên là Phúc đến nói chuyện với các con dâu của bà sang bên kia biên giới bán quần áo, lương tháng 15-20 triệu đồng. Nghe lời ngon ngọt của kẻ xấu, hai cô giấu người nhà để sang đó, chỉ khi không có công ăn việc làm như kẻ kia đã hứa mới điện thoại về cho chồng sang đón, lúc này gia đình mới biết rõ chân tướng sự việc.

Thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, đa số các vụ mua bán người đều núp bóng dưới nhiều hình thức như hôn nhân, xuất khẩu lao động và có sự tự nguyện của nạn nhân. Thủ đoạn mà các đối tượng hay sử dụng là quen biết qua điện thoại rồi có quan hệ tình cảm, dụ dỗ lừa bán sang biên giới. Chỉ khi người bị hại phát hiện ra mình bị mua bán trốn được về địa phương và có đơn trình báo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện.

1
Công an huyện Mường Chà tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tội phạm mua bán người.

Tuy nhiên, các đối tượng mua bán người thường ở địa bàn khác và không có lai lịch rõ ràng nên rất khó khăn trong quá trình điều tra, truy xét. “Sau khi nạn nhân bị bán sang nước ngoài được lực lượng chức năng nước sở tại  phát hiện, bắt, trao trả về địa phương hoặc nạn nhân trốn thoát trở về và trình báo với cơ quan công an thì sự việc mới được phát giác. Song qua đấu tranh khai thác, hầu hết nạn nhân không biết rõ đối tượng đã lừa bán mình nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý đối tượng mua bán người” - Thiếu tá Hạng A Lồng, Phó trưởng Công an huyện Mường Chà cho biết.

Tội phạm mua bán người không phải là loại tội phạm mới và đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền nâng cao cảnh giác, song hàng năm vẫn có những phụ nữ, thậm chí là cả nam giới trở thành món hàng để mua bán.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ mua bán người là do sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào dân tộc thiểu số và do cuộc sống hàng ngày của họ quá vất vả nên vẫn tin về giấc mơ đổi đời bên kia biên giới theo lời hứa hẹn của các đối tượng mua người.

Những vụ án mua bán người dù đã có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân hoặc nạn nhân không tố giác thì việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can hầu như không được thực hiện.

Và khi đối tượng phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì không biết còn bao nhiêu nạn nhân sẽ trở thành món hàng để trao đổi, mua bán./.

 

 

Hoàng Út – Đức Bình/DIENBIENTV.VN
 

.