Các lò chế biến long nhãn "giảm nhiệt"

Thứ Ba, 22/08/2023, 10:55 [GMT+7]

Điện Biên TV -  Cứ đến tháng 7, tháng 8 hàng năm, các hộ chế biến long nhãn tại các xã: Noong Hẹt, Thanh An, Pom Lót, huyện Điện Biên lại bước vào mùa vụ thu mua và chế biến long nhãn. Khác với không khí sôi nổi, hứng khởi mọi năm, năm nay, mặc dù giá nhãn tươi rẻ song các chủ lò long nhãn lại đốt lò muộn hơn, đồng thời giảm quy mô sản xuất, vừa làm vừa nghe ngóng thị trường. Bởi vì, thị trường long nhãn có dấu hiệu bão hoà, thương lái thu mua ít, giá long nhãn lên xuống thất thường.

1
Không khí chế biến long nhãn tại các lò long trầm lắng hơn so với mọi năm.

Gia đình anh Vũ Văn Minh, đội 9 xã Pom Lót bắt đầu làm nghề chế biến long nhãn từ năm 1998. Với 25 năm hành nghề, đến nay, anh Minh đã sở hữu 3 lò chế biến long nhãn với công suất 3 tấn/vụ. Mặc dù chỉ là thời vụ song nghề chế biến long nhãn đã giúp gia đình anh tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, tạo việc làm cho hàng chục hộ dân trong đội 9. Mùa nhãn năm nay, anh Minh vẫn tiếp tục công việc thường niên. Tuy nhiên, vụ này, anh Minh đốt long muộn hơn.

“Năm vừa rồi gia đình cũng không có ý định làm, nhưng thấy nhãn sai nên quay lại sửa lò làm, năm nay tôi chỉ mở 2 lò. Giá cả năm nay thì hơn năm ngoái được một chút” - anh Vũ Văn Minh, đội 9, xã Pom Lót, huyện Điện Biên chia sẻ.

Xã Pom Lót có truyền thống nhiều năm làm nghề chế biến long nhãn của huyện Điện Biên. Những năm cao điểm, cả xã có 10 - 12 hộ tham gia chế biến long nhãn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Mỗi vụ nhãn, toàn xã chế biến được khoảng vài chục tấn long nhãn, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, không khí chế biến long nhãn tại các lò long trầm lắng hơn hẳn. Mặc dù, đang là chính vụ nhãn song toàn xã chỉ có 5 lò long đang hoạt động, đồng thời 100% các lò đều không hoạt động hết công suất. Thậm chí, có hộ chỉ đốt được 7 - 10 ngày là nghỉ.

Anh Lê Văn Tình, đội 1, xã Pom Lót, huyện Điện Biên: “Thị trường năm nay không ổn định nên tôi không mua vườn mà chuyển sang mua cân, vì đầu vào, giá nguyên liệu, nhân công cao, mà thị trường Trung Quốc thì đìu hiu, bị thương lái ép giá”.

Ông Nguyễn Văn Luyển, Phó Chủ tịch UBND xã Pom Lót, huyện Điện Biên:“ Nghề làm long ở xã Pom Lót đã hình thành lâu, nhưng những năm gần đây có xu hướng giảm do giá cả thị trường thấp, người dân làm ra không có thu nhập, cùng với đó là khu vực Sơn La có chất lượng nhãn cao hơn và đầu tư máy móc hiện đại hơn”.

1
Một vài lò long chỉ sản xuất trong 15 ngày đầu để hạn chế thua lỗ.

Sản phẩm long nhãn chủ yếu được bán sang thị trường Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc bị hạn chế, sản phẩm thường bị rớt giá rất nhanh. Đầu vụ nhãn năm nay, giá long nhãn thương lái nhập khoảng 135.000 - 140.000 đồng/kg long nhãn. Tuy nhiên vào chính vụ, giá giảm xuống còn 110.000 đồng/kg. Theo tính toán, chi phí đầu tư để sản xuất ra 1kg long nhãn khoảng 80.000 đồng, lợi nhuận thu được thấp so với mức chi phí bỏ ra. Chính vì vậy, một vài lò long chỉ sản xuất trong 15 ngày đầu vì thay vì sản xuất 1 tháng như những năm trước đây để hạn chế thua lỗ.

Các lò long nhãn sản xuất cầm chừng không chỉ gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và thu nhập của các chủ lò, người lao động mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của các chủ vườn nhãn trên địa bàn huyện Điện Biên.

 

 

Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN

 

.