Tủa Chùa tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững
Điện Biên TV - Là huyện vùng cao, chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên trong những năm gần đây, Tủa Chùa đã chú trọng các giải pháp, xây dựng các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã phát huy những lợi thế, nỗ lực khắc phục khó khăn đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cụ thể hóa nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, các cơ quan chuyên môn của huyện Tủa Chùa đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên, nhân lực lao động để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Diện tích trồng dâu tây của Hợp tác xã H’Mông xã Trung Thu. |
Đồng thời, quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa; tăng cường công tác cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển giống chất lượng cao thích hợp cho từng vùng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt hoặc bán nuôi nhốt; chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn; chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Tủa Chùa tập trung chuyển đổi cơ cấu từ cây có năng suất, sản lượng, chất lượng thấp sang cây có giá trị cao; thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả, cây dược liệu… theo hướng hàng hóa.
Diệp Thanh Trà - sản phẩm đạt OCOP 3 sao của huyện Tủa Chùa. |
Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng được 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả như: Liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ chè Shan tuyết của Công ty TNHH Hương Linh; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sa nhân xanh, sa nhân tím của Công ty TNHH Giống lâm nghiệp Tây Bắc; liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm su su, chanh leo, bí đỏ, khoai sọ, dâu tây của Hợp tác xã H’Mông xã Trung Thu; liên kết nuôi trồng, tiêu thụ cá rô phi đơn tính và sản xuất gạo đặc sản địa phương gắn với xây dựng thương hiệu OCOP và rau, củ, quả an toàn thực phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng.
Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, cho biết, thời gian tới, huyện Tủa Chùa tiếp tục mở rộng diện tích khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang ở những khu vực đủ điều kiện; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống mới, chất lượng cao, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phấn đấu giá trị sản xuất bình quân đạt 50 triệu đồng/ha trở lên.
Phạm Hải - Đức Trung/DIENBIENTV.VN