Mắc ca Điện Biên - Tiềm năng và triển vọng

Thứ Sáu, 04/02/2022, 06:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau gần hai thập kỷ có mặt tại Điện Biên, mắc ca - một loại cây trồng mới đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của một tỉnh miền núi, Điện Biên đã và đang phát huy tiềm năng thế mạnh phủ xanh hàng ngàn ha đất trống đồi núi trọc và trồng thay thế những diện tích cây trồng kém hiệu quả, mở ra triển vọng phát triển kinh tế với một loại cây mang tên: Mắc ca.

Hành trình xuất hiện cây mắc ca ở Điện Biên bắt đầu từ năm 2002. Trải qua 7 năm bén rễ cho kết quả khả quan, năm 2009, cây Mắc ca tiếp tục được đưa vào trồng thử nghiệm thông qua một số chương trình, dự án và sau đó được người dân, doanh nghiệp phát triển mở rộng diện tích theo thời gian. Mắc ca là loại cây ăn quả không quá kén chọn đất, là một trong những điều kiện rất thuận lợi để phát triển cây mắc ca tại Điện Biên.

Tuần Giáo là một trong những huyện có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh Điện Biên. Cây Mắc ca được trồng thử nghiệm tại huyện Tuần Giáo từ năm 2013. Đến năm 2015, Công ty cổ phần Macadamia Ðiện Biên chính thức thực hiện dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện.

1
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thực tế diện tích trồng cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo tháng 11/2021.

Tuần Giáo đã quy hoạch trồng 2.000ha cây mắc ca, giao cho Công ty Macadamia Điện Biên phát triển với cam kết hỗ trợ người dân góp đất 1 triệu đồng/ha/năm, trong 5 năm đầu khi cây chưa cho quả; sử dụng 500 - 600 lao động thường xuyên tại địa phương với mức lương 3 triệu đồng/tháng và khi thu hoạch người dân được hưởng giá trị 15%/kg quả tươi. Đến nay, diện tích cây mắc ca đã phủ xanh hơn 1.400 ha, chủ yếu tại 2 xã Quài Nưa và Quài Cang. Hiện nay, những diện tích mắc ca được trồng từ năm 2015 đã bắt đầu cho quả.

Trên cơ sở hiệu quả kinh tế từ cây mắc ca và nhu cầu phát triển cây mắc ca của người dân cũng như doanh nghiệp, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Cây mắc ca sẽ được tập trung trồng tại: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Tuần Giáo và Thành phố Điện Biên Phủ với quy mô khoảng 26.000ha, với diện tích quy hoạch khoảng 35.000ha, làm cơ sở cho việc quản lý, chỉ đạo và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển; áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ, từ đó đảm bảo đưa cây mắc ca trở thành cây trồng nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với phát triển thành hàng hóa…

1
Nhiều khoảnh đất trống, ngọn đồi trọc giờ đây được phủ bởi màu xanh của cây mắc ca.

Song song với chủ trương định hướng quy hoạch, Điện Biên đã quan tâm ưu đãi thuế, miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, được Nhà nước thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp thuê để trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật… với một môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang đầu tư, phát triển cây mắc ca tại Điện Biên theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Một trong những yếu tố phát triển bền vững là: Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án của mình còn người dân tham gia liên kết trồng mắc ca sẽ thông qua góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất hoặc tự trồng mắc ca, có sản phẩm bán cho doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm này,  Điện Biên đã trồng trên 2.170 ha cây mắc ca, là tỉnh có diện tích trồng thuần mắc ca lớn nhất cả nước. Với tốc độ sinh trưởng và cho quả tốt như hiện nay, hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng chủ lực của tỉnh trong  phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

1

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2030 sẽ triển khai trồng được trên 120.000 ha cây mắc ca. Đồng thời, sẽ thực hiện rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng để hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp, đưa một phần đất quy hoạch là lâm nghiệp nhưng chưa có rừng để chuyển sang trồng cây mắc ca, vì cây mắc ca được xác định là cây đa mục đích.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án trồng cây mắc ca với tổng mức đầu tư 4.730 tỷ đồng, quy mô thực hiện  trồng hơn 17.200 ha. Màu xanh của cây mắc ca đã và đang phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc, trên những diện tích canh tác cây trồng kém hiệu quả. Một màu xanh hy vọng về một loại cây mệnh danh “Nữ hoàng quả khô” mở ra kỳ vọng xóa đói giảm nghèo, hướng tới tương lai làm giàu bền vững ở Điện Biên./.

 

 

Việt Hòa - Đức Trung/DIENBIENTV.VN

 

.