Điện Biên

Hợp tác xã phát triển trong đại dịch Covid-19

Thứ Sáu, 04/02/2022, 06:19 [GMT+7]

Điện Biên TV - Dịch bệnh Covid-19 trong hai năm 2020, 2021 đã đặt ra thách thức lớn, mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Một số HTX đã buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc thậm chí đóng cửa. Nhưng đáng mừng hơn là không ít HTX đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với những khó khăn do dịch bệnh, từ đó tìm ra bước phát triển an toàn và hiệu quả.

Được thành lập năm 2019, trong nửa năm đầu hoạt động, Hợp tác xã Quà Điện Biên với ngành nghề chính là sản xuất, bày bán những sản phẩm đặc sản của tỉnh như: gạo, măng, miến, sản phẩm thổ cẩm... hoạt động rất hiệu quả, doanh thu đạt cao... Tuy nhiên từ năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch giảm mạnh thì lợi nhuận của Hợp tác xã đã giảm từ 80-90%.

Bà Lê Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Quà Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ, cho biết do đặc thù ngành nghề sản xuất, kinh doanh chủ yếu là nông sản và ẩm thực nên hạn sử dụng rất ngắn, khi dịch bệnh xảy ra, một số sản phẩm kể cả gạo cũng bị hỏng hoặc kém chất lượng, dẫn đến phải tiêu hủy, thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ.

1
Cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX Quà Điện Biên có thời điểm phải đóng cửa nhiều tháng do ảnh hưởng của dịch.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hợp tác xã vận tải cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, phải hoạt động cầm chừng và chịu thiệt hại lớn. Đơn cử như: HTX Vận chuyển hành khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Điện Biên Phủ, với gần 50 đầu xe, 100% xe của HTX là do xã viên góp vốn. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ nên chưa có nguồn để hỗ trợ cho xã viên. Hiện, các nhà xe của HTX chỉ duy trì hoạt động 70% số chuyến, nhưng các chuyến không chạy thường xuyên.

Chỉ trong hai năm 2020 và 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn tỉnh đã có đến 14 hợp tác xã ngừng hoạt động, 16 hợp tác xã giải thể và hàng chục hợp tác xã khác phải hoạt động cầm chừng. Dịch bệnh đã khiến cho nhiều hợp tác xã phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Do ảnh hưởng của dịch kéo dài nên 2 năm gần đây HTX gặp rất nhiều khó khăn, lượng hàng bán ra rất chậm, do đó phải cắt giảm mạnh về nhân công.” - anh  Trần Văn Trang, Phó Giám đốc HTX Đồ Thủ công mỹ nghệ Anh Minh, nói.

Bên cạnh những HTX bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhằm vượt qua khó khăn, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã tranh thủ giai đoạn này để củng cố hệ thống cơ sở sản xuất; linh hoạt, sáng tạo chuyển hướng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, từ đó dần thích nghi với tình hình dịch bệnh.

1
Chỉ trong hai năm 2020 và 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn tỉnh đã có đến 14 hợp tác xã ngừng hoạt động, 16 hợp tác xã giải thể và hàng chục hợp tác xã khác phải hoạt động cầm chừng. (Ảnh minh họa)

Đối với Hợp tác xã Hoàng Tấm, huyện Mường Chà đó là việc nhanh nhạy tìm đầu ra cho sản phẩm miến dong và củ dong riềng. Nhờ đó, vụ dong riềng năm 2021 diễn ra vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhưng doanh thu của HTX vẫn đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Không những giúp tiêu thụ tốt nông sản, HTX cũng tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và có nhiều hỗ trợ khác đối với thành viên HTX và người trồng dong riềng.

Ông Khoàng Văn Tấm, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Tấm, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, chia sẻ: “HTX thực hiện bao tiêu sản phẩm cho bà con, nhất là việc hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân để bà con phát triển cây dong riềng. Điều này rất quan trọng và hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, HTX vẫn duy trì được sản xuất và người dân vẫn có thu nhập ổn định.”

Để duy trì sản xuất và lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều HTX cũng nhanh chóng tiếp cận công nghệ thông tin, quảng bá sản phẩm trên các trang mua sắm trực tuyến lớn, trang facebook, fanpage của đơn vị...

Ông Quản Bá Tới, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, huyện Điện Biên, cho biết đơn vị đã tận dụng những lợi ích mà mạng xã hội mang lại để quảng bá sản phẩm tới đông đảo khách hàng. Dù bán hàng trực tiếp vẫn là kênh phân phối chính, song thương mại điện tử cũng đã có những bước tiến đáng kể, là tiền để quan trọng để HTX mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ.

1
Tuy vậy, vẫn có không ít những HTX đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và vẫn "sống khỏe" trong đại dịch.

Theo ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh , cùng với sự nhanh nhạy, khắc phục khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh của chính mỗi HTX, từ năm 2019 đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hoạt động hiệu quả, sản xuất gắn với chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các HTX có đủ năng lực được ưu tiên tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội;  phối hợp, tư vấn cho các HTX vay hơn 7 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của tỉnh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các HTX.

Năm 2021, trong tổng số 198 hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, lãi bình quân của 1 hợp tác xã ước đạt 150 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên ước đạt 43 triệu đồng/năm. Có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên, đổi mới về nội dung hoạt động và tổ chức sản xuất kinh doanh của các HTX thì sự phối hợp, hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã và đang tạo động lực để các HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, thời gian tới, để kinh tế tập thể của tỉnh có thể thích ứng linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, phát triển sản xuất hiệu quả, đã đến lúc phương thức hỗ trợ của các HTX phải chuyển từ "cho không" sang "cho vay"; từ hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất sang hỗ trợ về nhận thức, định hướng về cách thức làm ăn. Việc phát triển các HTX sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, phục vụ các thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu cần phải là đích đến./.

 

 

Phương Dung - Đức Bình/DIENBIENTV.VN
 

.