Cần phải có cách tiếp cận mới, huy động các nguồn lực đầu tư trong xây dựng NTM
Điện Biên TV - Đây là yêu cầu của đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án OCOP 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới do UBND tỉnh tổ chức. Dự hội nghị có các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM; đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố.
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án OCOP 6 tháng đầu năm. |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 38 xã. Về xã NTM nâng cao, đến nay xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên mới chỉ đạt 14/16 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao.
Đối với thôn, bản chuẩn NTM kiểu mẫu: Trong 6 tháng đầu năm, có thêm 2 bản được công nhận bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM, kiểu mẫu lên 28 thôn bản.
Đối với các xã đề nghị xét công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM năm 2021, UBND tỉnh, các huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá và hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định vào quý IV năm 2021. Hiện toàn tỉnh vẫn còn 4 huyện chưa có xã NTM gồm: Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo và Tủa Chùa.
Về thực hiện sản phẩm OCOP, trong 6 tháng đầu năm UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 211 về phê duyệt Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Các huyện đã triển khai, rà soát, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn và hướng dẫn các chủ thể đăng ký chương trình sản phẩm OCOP. Trong đó, có 2 huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa đã bố trí nguồn ngân sách huyện để triển khai hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm và hồ sơ để tham gia đánh giá, xếp hạng năm 2021. Hiện toàn tỉnh đã có 35 sản phẩm của 19 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn các giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM và việc triển khai đề án Mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Về sản phẩm OCOP, một số địa phương lo không có đầu ra cho sản phẩm như: Sản phẩm khoai sọ và bí xanh ở huyện Điện Biên Đông. Đề nghị tỉnh, các sở ngành có các giải pháp, bố trí nguồn kinh phí để phát triển các sản phẩm OCOP; cùng với đó, cần sự giúp đỡ về KHKT, giống cây trồng, thu hoạch, bảo quản, thu mua sản phẩm; quan tâm mở các lớp tập huấn, tham quan, học hỏi kinh nghiệm...
Đồng thời kiến nghị một số nội dung: Đề nghị UBND tỉnh xem xét cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ chủ thể các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất...
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh nêu một số tồn tại, hạn chế, đề nghị các cấp, các ngành, các huyện cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh: Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, do vậy cần phải có cách tiếp cận mới, huy động các nguồn lực đầu tư và sự tham gia của người dân, lấy người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, muốn làm được điều này cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tích cực tham gia xây dựng NTM; cần huy động và sử dụng có hiệu qủa nguồn vốn được đầu tư. Đối với những xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đối với các huyện cần rà soát, đánh giá thực trạng để có mục tiêu, giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM.
Về sản phẩm OCOP, trên cơ sở đánh giá các sản phẩm lợi thế, hướng tới việc tổ chức sản xuất để nâng cao sản lượng và ổn định sản phẩm; cần có kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới, có các chính sách liên kết với doanh nghiệp, HTX và người dân. Đề nghị các huyện phải củng cố, kiện toàn lại hoạt động Ban chỉ đạo các huyện; các ngành phải hỗ trợ, thành lập các HTX; đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư, phát triển, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm phát triển bền vững…/.
Minh Thư - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN