Điện Biên đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

Thứ Tư, 06/01/2021, 15:51 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song đến nay, việc xây dựng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhất định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Điện Biên. Do vậy, việc phát triển nông nghiệp theo hướng VietGap là xu hướng tất yếu, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tỉnh cũng như sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp.

Với quyết tâm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp sạch, cách đây 6 năm ông Vũ Đình Nhân ở đội 5, xã Thanh An, huyện Điện Biên quyết định thành lập Công ty TNHH Safe Green. Ban đầu còn nhiều khó khăn, vất vả về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ nhưng điều đó không làm gia đình nản chí. Đến nay, các sản phẩm nông nghiệp như gạo tám, hoa quả đều có chỗ đứng ổn định ra thị trường và đạt tiêu chuẩn VietGap.

Ông Nhân cho biết, hiện tại mô hình của Công ty TNHH Safe Green gồm có 1 nhà xưởng với 3 máy sấy nhiệt, 1 dàn hệ thống xay xát tự động, công suất 800 tấn/năm. Công ty đã tạo được chuỗi liên kết với 130 hộ gia đình trên địa bàn huyện Điện Biên để thu mua gạo Tám thơm với mức giá cao hơn thị trường từ 10-15%. Ngoài ra, còn 600 cây bưởi da xanh và bưởi diễn, 350 cây thanh long cùng hàng trăm các loại cây ăn quả khác để cung ứng ra thị trường.

1
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn, do đó sản phẩm khi đưa ra thị trường rất được ưa chuộng, cho lợi ích kinh tế cao.

Trong những năm gần đây, Điện Biên đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra giá trị hàng cho người nông dân và đóng góp vào ngân sách của tỉnh.

Ngoài 5.100ha cây cao su, gần 3.300ha cây mắc ca, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển mô hình trồng cây ăn quả tại các vùng vườn tạp và đất dốc theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trọng điểm tại một số địa phương như: huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên.

Thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa và cây màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả được gần 400ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh năm 2020 lên gần 5.000ha, tăng gần 10% so với năm 2019.

Thực tế cho thấy, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch đã được nhiều cá nhân và doanh nghiệp tích cực tham gia. Tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mô hình nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Ngay như gạo Điện Biên, một sản phẩm nổi tiếng cả nước nhưng đến nay mới chỉ có 2 sản phẩm là gạo Bắc thơm và IR 64 có chỉ dẫn địa lý. Trong đó, gạo IR 64 thì gần như người nông dân vùng lòng chảo không còn canh tác. Như vậy, ngoài thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực thì việc xây dựng chỉ dẫn địa lý là yếu tố vô cùng quan trọng.

1

Một trong những giải pháp xuyên suốt nhiều năm qua chính là tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2017-2020; xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh chủ trương tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán hướng dần sang tập trung với quy mô phù hợp ở một số nơi có điều kiện;

Duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để tạo nền tảng thúc đẩy các hoạt động kết nối, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông sản tiếp cận thị trường.

“Mục tiêu xa hơn là xuất khẩu bền vững các sản phẩm nông nghiệp ra ngoài tỉnh và sang các thị trường Bắc Lào cũng như Thái Lan” - ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công thương, nói.

Trên thực tế, để phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn, có tính cạnh tranh cao thì nỗ lực của ngành nông nghiệp là chưa đủ. Chính vì vậy, vấn đề mấu chốt để ngày càng có nhiều sản phẩm an toàn theo hướng VietGap, trước hết phải phụ thuộc vào những người nông dân trong thời đại kinh tế hội nhập như hiện nay./.
 

 

Anh Thu - Đức Trung/DIENBIENTV.VN

 

.