Phát triển rừng kinh tế ở Điện Biên

Thứ Hai, 23/11/2020, 15:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, cùng với nâng cao độ che phủ, việc phát triển rừng ở Điện Biên còn chú trọng đến hiệu quả kinh tế từ rừng. Theo đó, những loại cây vừa góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, vừa cho khai thác sản phẩm hàng hóa đang được các địa phương lựa chọn trồng và nhân rộng diện tích. Việc làm này đã bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định cho các địa phương.

Loại cây đang đứng trong tốp đầu được lựa chọn để phát triển kinh tế rừng ở Điện Biên hiện nay là: mắc ca. Bởi mắc ca là cây lâm nghiệp, đồng thời là cây đa mục đích, có tiềm năng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao, có thể phát triển tập trung quy mô hàng hóa lớn thông qua thu hoạch quả mắc ca để lấy hạt. Hạt mắc ca được coi là “hoàng hậu” của các loại hạt về công dụng của nó.

Ngoài việc trồng tập trung tại các diện tích đất lâm nghiệp theo quy hoạch, mắc ca còn có thể trồng tại vườn nhà hoặc trồng xen canh với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xác định được những ưu điểm của loại cây này, năm 2012, tỉnh đã triển khai trồng thí điểm gần 15 ha mắc ca tại huyện Tuần Giáo.

Qua việc trồng thí điểm tại Tuần Giáo cho thấy: Mắc ca khá phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai. Sản lượng quả tươi đạt khoảng 9,4 tấn/ha. Khi thu hoạch người dân sẽ được hưởng 15% giá trị 1kg quả tươi. Như vậy, người dân tham gia trồng mắc ca cũng được thu hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Trong khi đó, với cây mắc ca, càng những năm về sau, năng suất thu hoạch quả càng tăng lên và có thể đạt 3 tấn quả/ha. Vòng đời của cây lên tới 80 năm.

Xác định được hiệu quả kinh tế cũng như những tác dụng của mắc ca đối với việc phát triển rừng, tỉnh đã nhân rộng diện tích mắc ca qua các năm.

Mắc ca
Với giá trị kinh tế mang lại, Điện Biên tiếp tục khuyến khích mở rộng diện tích trồng cây mắc ca.

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 3.200 ha mắc ca ở hầu hết các huyện và Tp. Điện Biên Phủ. Hiện tỉnh cũng đã có kế hoạch cụ thể cho việc tiếp tục phát triển rừng kinh tế với loại cây này trong thời gian tiếp theo.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Đối với dự án mắc ca, chúng tôi tiếp tục khuyến khích đầu tư với những dự án đã được tỉnh phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 17ha, hướng tới khu vực có tiềm năng lợi thế như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên và Điện Biên Đông”.

Cùng với mắc ca, cao su cũng là cây được Điện Biên đưa vào trồng nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao độ che phủ rừng và ít nhiều có tác dụng như rừng phòng hộ.

Cây cao su đã được trồng từ năm 2008 với tổng diện tích hơn 5.000ha. Từ năm 2017, những diện tích trồng cao su đầu tiên cho khai thác mủ, năng suất bình quân đạt hơn 600kg/ha và sản lượng liên tục tăng qua các năm.

Mặc dù kết quả ban đầu đạt được còn khiêm tốn, nhưng các công ty cao su trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho cán bộ, người lao động và người dân.

Hướng dẫn cạo mủ cao su
Cán bộ kỹ thuật Cty Cổ phần Cao su Mường Nhé hướng dẫn người dân kỹ thuật cạo mủ cao su.

Ngoài ra, cây cao su còn có thể khai thác gỗ sau khi hết chu kỳ lấy mủ. Nhờ đó, cây cao su khi được đưa vào trồng cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Việc phát triển kinh tế từ rừng ở Điện Biên trong những năm gần đây đã được người dân quan tâm thực hiện nhiều hơn do họ đã có nhận thức đúng đắn về những giá trị từ rừng.

Hơn nữa có thêm các chính sách hỗ trợ về bảo vệ, phát triển rừng, nhất là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên người dân đã mặn mà hơn với rừng.

Ngoài việc khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên, bà con đã tích cực mở rộng diện tích rừng trồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 5 nghìn ha rừng trồng.

Với tiềm năng lớn về đất lâm nghiệp, với khoảng 300 nghìn ha chưa có rừng, Điện Biên còn nhiều cơ hội để phát triển kinh tế từ rừng.

Trước mắt là tiếp tục nhân rộng diện tích các loại cây đã cho hiệu quả trong thực tiễn những năm qua trên địa bàn, sau là tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm với các loại cây đa mục đích khác, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương để tiếp tục làm đa dạng kinh tế từ rừng cho người dân./.

 

Lê Dung – Tiến Thế/DIENBIENTV.VN
 

.