Khó khăn giảm nghèo nơi cực Tây Tổ quốc

Thứ Sáu, 20/11/2020, 15:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có vị trí địa lý mang tầm chiến lược về an ninh – quốc phòng ở vùng đất cực Tây Bắc của Tổ quốc. Với mục tiêu, xây dựng huyện Mường Nhé ổn định về định canh, định cư, bảo đảm đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho nhân dân, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên đặc biệt với vùng đất “phên dậu” này. Dù đã có nhiều đổi thay, song công tác ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo cuộc sống của người dân Mường Nhé vẫn còn nhiều khó khăn.

Bản tái định cư Nậm Là 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé sau mỗi trận mưa lớn là cả bản lại bị cô lập. Dù nước lũ dâng cao, song khi có việc cần kíp, người dân nơi đây đành phải “đánh liều” băng suối bằng cách đi trên đường ống dẫn nước vào bản. Người lớn đã đành, còn trẻ nhỏ đi học hàng ngày, thực không khỏi khiến người ta lo lắng, bởi nguy hiểm luôn rình rập.

1
Bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa. Cách duy nhất để ra khỏi bản là người dân phải liều mình đi trên đường ống dẫn nước như thế này.

Bản Nậm Là 2 chỉ là một trong số 31 điểm bản tái định cư theo Đề án 79 của Thủ tướng Chính phủ. Sau gần 10 năm thực hiện sắp xếp ổn định dân cư, hơn 40 hộ dân là người Mông di cư trước kia giờ đã ổn định tại đây. Điện, nước và những điều kiện cơ bản cho cuộc sống mới đã được nhà nước đầu tư.

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu từ năm 2011 đến hết năm 2015, trên địa bàn huyện Mường Nhé sẽ không còn hộ du canh, du cư. Người dân sẽ có đủ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo và không có hộ đói.

Câu chuyện về “an cư” đã không còn phải lo lắng, nhưng chuyện “lạc nghiệp” lại đang là vấn đề lớn đối với những người dân ở đây, bởi thiếu đất sản xuất, thiếu những kiến thức và kỹ năng về sản xuất nông nghiệp.

Sau gần 10 năm thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư theo Đề án 79, thành công lớn nhất của Mường Nhé là ổn định về định canh, định cư, không còn hộ du canh, du cư. Tuy nhiên, nhiều hạng mục về hạ tầng thì vẫn còn dang dở; đời sống của nhân dân còn khó khăn. Qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn trên 60%.

1
Dẫu đã "an cư" song chưa thể "lạc nghiệp" nên đời sống của người dân tại các điểm bản thuộc Đề án 79 của huyện Mường Nhé còn bộn bề khó khăn.

Ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: “Thực hiện Đề án 79, từ năm 2010 đến năm 2015 phải kết thúc, tuy nhiên rất nhiều nguyên nhân không thực hiện được, nên Chính phủ cho phép kéo dài đến năm 2020. Như vậy, năm nay đã là năm cuối. Việc sắp xếp ổn định đời sống và sản xuất cho người dân trên địa bàn huyện cơ bản đã hoàn thiện các mục tiêu. Song mục tiêu về hạ tầng, còn 75 dự án chưa hoàn thành được với tổng mức 480 tỷ đồng. Nguồn này chưa có để đầu tư thì dự án chưa hoàn thành, chưa thể đóng lại”.

75 dự án của Đề án 79 chưa biết khi nào mới được hoàn thành để phục vụ người dân ở các điểm bản đã được bố trí, sắp xếp, dẫn đến cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, cái đói cái nghèo vẫn đeo bám.

Bài toán giúp người dân Mường Nhé vươn lên thoát nghèo lúc này xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân; tập trung hỗ trợ sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng để người dân sống được bằng nghề rừng. Có như vậy người dân mới thoát nghèo, yên tâm bám trụ nơi phên dậu cực Tây của Tổ quốc./.

 

 

Anh Thu - Đức Trung/DIENBIENTV.VN
 

.