Tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong trường học rất thấp

Thứ Sáu, 21/01/2022, 09:22 [GMT+7]

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn báo cáo quốc tế và khuyến nghị các địa phương nên mở cửa trường học.

1
Ảnh minh họa.

Báo cáo tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và công tác tổ chức dạy học tại các địa phương, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất cho biết tính đến tuần đầu tháng 1/2022, cả nước có 9 tỉnh/thành phố tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn; 35 tỉnh thành dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình; 19 địa phương phố còn lại dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Trong đó, 43/63 tỉnh/thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; 46/63 tỉnh/thành cho học sinh tiểu học đến trường chiếm tỉ lệ 57,38%; 53/63 tỉnh/thành cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp, chiếm tỉ lệ 69% học sinh cả nước. Dự kiến, đến ngày 7/2 sẽ có thêm 8 tỉnh thành cho học sinh đi học trực tiếp.

Việc xúc tiến tiêm vaccine cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Hiện nay, hơn 6,5 triệu học sinh từ 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1, đạt tỷ lệ 90,10%; mũi 2 là 72,24%. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 là 82%; mũi 3 là 28,2%.

Ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19. Đến 18/1, chỉ còn gần 4.800 người đang điều trị. Tại TP Hồ Chí Minh - địa phương bùng phát dịch mạnh nhất thời gian trước, sau thời gian thí điểm học trực tiếp, chỉ có 130 ca mắc COVID-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%.

1
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu.

Khẳng định nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong trường học là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình - theo kết luận mà Hoa Kỳ có được từ báo cáo tổng quan nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới về mở cửa trường học, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị các địa phương nên mở cửa trường học.

Chuyên gia này cũng chỉ ra nhiều tiền đề quan trọng giúp Việt Nam có thể mở rộng cho học sinh đi học trực tiếp. Đó là những kinh nghiệm trong hơn 2 năm phòng chống dịch; các điều kiện về chữa bệnh, phòng bệnh COVID-19 cũng đã tốt hơn; ý thức và năng lực thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, cộng đồng của người dân nâng lên; tỷ lệ phủ vaccine tạo miễn dịch cộng đồng của Việt Nam thuộc nhóm 6 nước cao nhất thế giới…

Nhấn mạnh việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm "sống chung với COVID"; ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng thế giới, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GDĐT) Phạm Quang Hưng khuyến nghị đẩy nhanh tiến độ cho học sinh đi học trực tiếp.

Nói rõ hơn về kinh nghiệm quốc tế trong việc mở cửa trường học, ông Hưng cho hay, khi tỷ lệ phủ vaccine đạt yêu cầu thì các quốc gia đều coi mở cửa trường học là điều tất yếu nhằm đảm bảo an toàn từ tâm lý, thể chất đến chất lượng học tập... cho học sinh.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có 65% quốc gia đã mở cửa hoàn toàn trường học và 35% mở cửa một phần. Trong đó, Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên, nhân viên tiêm chủng vaccine từ 85% trở lên được mở cửa. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Singapore đã hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh từ 12-18 tuổi; Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia đang triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới độ tuổi 12.

Với trẻ chưa được tiêm vaccine, nhiều quốc gia vẫn hối thúc đi học nhưng kiểm soát bằng nhiều biện pháp. Trong đó, Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng; Canada, Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm....

Link: https://vtv.vn/giao-duc/ty-le-nhiem-covid-19-trong-truong-hoc-rat-thap-20220121011759373.htm

 

 

Theo VTV

 

.