Giữ gìn văn hoá dân tộc từ du lịch cộng đồng

Thứ Hai, 17/01/2022, 09:27 [GMT+7]

Điện Biên TV - Về với Điện Biên hôm nay, du khách không chỉ có cơ hội đến với một miền đất lịch sử, khám phá thiên nhiên hùng vĩ mà còn là dịp đến với một miền đất văn hóa đặc trưng. Một trong những sản phẩm du lịch mới trong những năm gần đây được tập trung phát triển, tạo nhịp cầu nối cho du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống là du lịch cộng đồng.

Bản Che Căn, xã Mường Phăng, TP.Điện Biên Phủ với gần 100 hộ dân tộc Thái sinh sống, nơi đây đang lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái truyền thống độc đáo. Tới đây, du khách có dịp khám phá, tìm hiểu những kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, chế tác nhạc cụ.

Tại bản Che Căn, du khách có dịp thưởng thức văn hóa ẩm thực hấp dẫn của đồng bào Thái với các món ngon như: Cá nướng, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, nậm pịa, gà nướng mọi, lợn bản hấp lá chuối, lạp sườn gác bếp, gỏi cá, măng rừng luộc chấm chẳm chéo, xôi tím, xôi ngũ sắc…

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, cho biết hiện nay, địa phương đã xác định và triển khai những mô hình để Che Căn trở thành bản kiểu mẫu về du lịch cộng đồng, điểm dừng chân lý tưởng đối với khách du lịch.

1
Ẩm thực dân tộc với những món ăn được chế biến cầu kỳ, độc đáo có thể làm hài lòng cả những thực khách khó tính. (Trong ảnh: Mâm cơm với những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái)

Homestay Mường Then ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cũng là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Khuôn viên ở đây được phối cảnh hài hòa với những điểm nhấn không gian mang đặc trưng của cuộc sống đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc. Nổi bật nhất là những ngôi nhà sàn đặc trưng và các ngôi nhà riêng lẻ chuyên phục vụ các du khách muốn có không gian sinh hoạt riêng.

Ở Mường Then, tùy từng thời điểm, du khách có thể tham gia các hoạt động như: Cấy lúa và thu hoạch lúa, trồng rau, nấu ăn hay đơn giản là đạp xe thưởng ngoạn phong cảnh và không khí trong lành của bản làng. Đó sẽ là những trải nghiệm chân thật giúp du khách thực sự hòa mình vào cuộc sống và thiên nhiên nơi đây. Với phương châm phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, du khách đến sẽ ăn, ngủ, nghỉ, khám phá, trải nghiệm và tìm hiều phong tục tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Trên một địa bàn nhỏ hẹp, nhưng thị xã Mường Lay có đến 3 di tích, di sản cấp quốc gia: Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà tù Lai Châu, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Nghệ thuật xòe Thái và Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng.

Mường Lay còn hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa đa dạng. Đây là nơi cư trú của 9 dân tộc anh em. Một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc như Lễ hội Kin Pang Then, Lễ hội đua thuyền đuôi én... được khôi phục. Tham gia các hoạt động cộng đồng, làm bánh khẩu xén, thưởng thức ẩm thực, giao lưu văn nghệ, lưu trú tại các hộ gia đình có đủ điều kiện phục vụ khách du lịch tại các bản như: bản Nậm Cản, bản Na Nát, bản Chi Luông.

1
Du khách trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm tại Homestay Mường Then thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên.

Những điểm du lịch cộng đồng tại Điện Biên chính là những địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm khai thác phục vụ du lịch. Bản Mển, bản Ten, bản Che Căn, bản Phiêng Lơi, bản Him Lam, bản Nà Tấu… là những bản văn hóa du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Điện Biên, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Nơi đây không chỉ là không gian sống, thể hiện đậm nét phong tục tập quán, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân cư mà còn là một kho tàng văn hóa phi vật thể độc đáo với nhiều giá trị nguyên bản được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, những năm trước đây, tỉnh ta đã lựa chọn 8 bản để xây dựng thành mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Mỗi bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; chọn các hộ gia đình có điều kiện phù hợp để xây dựng mô hình về du lịch cộng đồng.

Từ đó đến nay, tỉnh đã xây dựng thành công thêm nhiều bản văn hóa mới, thường xuyên quan tâm đầu tư hỗ trợ nâng cấp, cải tạo các điều kiện, dịch vụ phục vụ du lịch, đồng thời tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho người dân tại các bản này.

Nhiều gia đình tại các bản cũng đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, đặc biệt là khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phục dựng lại một số lễ hội truyền thống để đón và phục vụ khách du lịch; khôi phục các nghề sản xuất thủ công truyền thống, đặc biệt là các hàng hóa thổ cẩm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

1
Đến với loại hình du lịch cộng đồng, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc.

Các điểm du lịch cộng đồng này hiện đang khai thác nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn, mang tính liên hoàn. Ngoài dịch vụ lưu trú homestay còn là các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và mua sắm. Khi đến đây du khách được thư thái, nghỉ ngơi ở một nơi xa lạ, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ với cảnh quan độc đáo, thanh bình; được trực tiếp được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, thưởng thức ẩm thực dân tộc, hòa mình vào các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc và lưu giữ những sản vật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để làm quà cho gia đình, người thân.

Hiện tỉnh đã có 31 nghề, làng nghề truyền thống đạt tiêu chí. Phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng vừa sản xuất kinh doanh vừa phục vụ du khách đến tham quan trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang được quan tâm, chú trọng.

Mô hình du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa đã được xây dựng và duy trì thành công, không chỉ mang lại cho du lịch Điện Biên một diện mạo mới mà còn thiết thực làm thay đổi nhận thức, lối sống, tư duy, cách làm kinh tế gắn với du lịch của đồng bào các dân tộc. Người dân điểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện tốt để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần do đó nhiều hộ gia đình đã chủ động tham gia.

Bên cạnh đó, họ cũng trân trọng và tích cực khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình, đặc biệt đối với những di sản gắn với hoạt động du lịch như ẩm thực, trình diễn nghệ thuật, trang phục, kiến trúc, nghề truyền thống, lễ hội... Đồng thời cũng học tập, kế thừa và làm sống động các giá trị văn hoá cổ truyền, giúp cho các dân tộc xích lại gần nhau, hiểu hơn, tự tin hơn về các giá trị văn hoá của dân tộc mình cũng như tôn trọng giá trị văn hoá của các dân tộc khác.

Bản sắc văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội, mà còn bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương, đem lại những lợi ích to lớn, toàn diện trên các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội./.

 

 

Tuấn Trung - Tiến Dũng/DIENBIENTV.VN
 

.