Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2022

Thứ Hai, 03/01/2022, 15:43 [GMT+7]

Một số chính sách như quy định về mẫu bằng tốt nghiệp; việc dạy và học tiếng của dân tộc thiểu số; tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng giáo viên… sẽ có hiệu lực.

1
Ảnh minh hoạ chụp trước năm 2020.

Quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng

Thông tư số 24/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/3/2017 quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.

Theo đó, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh gồm bốn trang, mỗi trang có kích thước 190mm x135mm. Trang 1 và trang 4 có nền màu đỏ. Trang 1 có hình Quốc huy, các chữ in trên trang 1 có màu vàng. Trang 2 và trang 3 có nền màu vàng, hoa văn viền màu vàng đậm; hình trống đồng in chìm chính giữa trang 2, hình Quốc huy in chìm chính giữa trang 3; tên bằng có màu đỏ, các chữ khác có màu đen.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp bằng, trường phải công bố công khai thông tin về cấp bằng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử của trường và cung cấp các thông tin về cấp bằng tốt nghiệp trên hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp tại Trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là trang thông tin điện tử) tại địa chỉ: http://vanbang.gdnn.gov.vn.

Thông tin công bố công khai về cấp bằng tốt nghiệp gồm các nội dung ghi trên bằng tốt nghiệp và phải được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử bảo đảm dễ quản lý, truy cập, tìm kiếm. Trường hợp bằng tốt nghiệp được chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ thì phải được cập nhật trên trang thông tin điện tử.

Việc công bố công khai thông tin về cấp, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử được thực hiện đối với cả bằng tốt nghiệp đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đối với các chương trình đào tạo thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn việc cập nhật, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ thông tin về bằng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử.

Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Kể từ ngày 1/1/2022, quyết định số 1260/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2027 chính thức có hiệu lực.

Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm pháp luật; hình thành thói quen tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; xây dựng lối sống, học tập, làm việc theo pháp luật của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển được khoảng 2.000 giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học Pháp luật, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật theo bộ chương trình, tài liệu của Chương trình để trở thành đội ngũ hạt nhân thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

Phấn đấu 90 - 100% cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyên truyền, PBGDPL theo bộ chương trình, giáo trình, tài liệu PBGDPL cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong đơn vị. Bảo đảm nội dung tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng cơ sở; tập trung vào những vấn đề mà người học, xã hội quan tâm; kết hợp giữa công tác giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trách nhiệm nghề nghiệp cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động;

Phấn đấu 100% người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong các trường cao đẳng, trường trung cấp được tuyên truyền, phổ biến, thông tin đầy đủ, rộng rãi về pháp luật giáo dục nghề nghiệp, các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp nhằm giúp người học nhận thức và thực hiện tốt các quy định của pháp luật;

Phấn đấu 100% người học trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc đối tượng học xong đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống, công việc, vị trí việc làm sẽ đảm nhận;

Phấn đấu 100% trường cao đẳng, trường trung cấp triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa kết hợp với hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế tại các cơ quan, đơn vị thi hành pháp luật, cơ quan tư pháp; tích hợp, lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với hoạt động giáo dục chính trị đầu khóa, trong môn học Pháp luật và một số môn học khác theo chương trình đào tạo;

Hoàn thành bộ chương trình, tài liệu tuyên truyền, PBGDPL theo từng nhóm đối tượng của Chương trình; rà soát chương trình môn học Pháp luật trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp. Công khai nội dung tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trang Thông tin điện tử Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Đối tượng của chương trình bao gồm: Người học các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy môn học Pháp luật tại các trường cao đẳng, trường trung cấp và đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động.

Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/1/2022 và thay thế Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 3/11/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1
Ảnh minh họa chụp trước năm 2020.

Về điều kiện tổ chức dạy học: Người dân tộc thiểu số ở địa phương có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục.

Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong các cơ sở giáo dục phải là bộ chữ cổ truyền đã được lưu hành và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, được cơ quan chuyên môn xác định và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là UBND cấp tỉnh) phê chuẩn hoặc bộ chữ được Chính phủ ban hành. Đối với các tiếng dân tộc thiểu số có nhiều bộ chữ, việc lựa chọn bộ chữ để dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Chương trình tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số được Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt.

Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học tương ứng theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019. Trường hợp thiếu giáo viên đạt chuẩn có thể sử dụng người đủ điều kiện dạy học ở cấp học và có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Cơ sở vật chất tại các lớp dạy học tiếng dân tộc thiểu số được trang bị như các lớp học thông thường khác, đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông. Thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số được trang bị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng chương trình dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên: Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được đào tạo ngành, chuyên ngành sư phạm về tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mở ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng trên cơ sở Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; Việc bồi dưỡng giáo viên dạy học tiếng dân tộc thiểu số thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/11/2021 quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022.

Thông tư này áp dụng đối với viên chức làm quản lý, giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, phổ thông (giáo viên) trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập (cơ sở giáo dục) đã được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Giáo viên dự bị đại học được áp dụng Thông tư này để tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sau khi được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học cho đến khi có quy định riêng của cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Theo đó, giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.

Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trường hợp giáo viên đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư này để dự xét thăng hạng phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở hạng đăng ký dự xét theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Như vậy, theo quy định mới, giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì chỉ cần được xếp loại hoàn thành tốt nghiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước đó thay vì phải 3 năm liên tục như quy định cũ.

Link: https://vtv.vn/giao-duc/nhung-chinh-sach-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-1-2022-20220101212451052.htm

 

 

Theo VTV

.