Cán bộ dùng văn bằng, chứng chỉ giả: Còn bao nhiêu người chưa bị lộ?
Nếu không trừng trị mạnh, không đủ sức răn đe thì gian dối bằng cấp sẽ còn phổ biến.
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương như Đắk Lắk, Đắk Nông, Thái Nguyên... nhiều trường hợp cán bộ dùng bằng THPT giả, không hợp pháp bị phát hiện, cho thấy sự báo động về việc tuyển đầu vào của các cơ quan, tổ chức Nhà nước.
Tổng rà soát văn bằng, chứng chỉ của công chức, viên chức
Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, trước đây, cơ quan chức năng đã ráo riết làm, phát hiện không ít trường hợp cán bộ dùng bằng cấp giả, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Thực tế này cho thấy, việc kiểm soát chất lượng cán bộ và kiểm soát văn bằng, chứng chỉ còn nhiều lỗ hổng.
Hơn thế nữa, nguyên nhân gốc vẫn là trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ vẫn dựa vào định tính, tức là chú trọng bằng cấp, coi đây đây là điều kiện tiên quyết. Thế nên mới sinh ra chuyện cán bộ phải tìm đủ mọi cách để hợp thức hóa các loại văn bằng, chạy đua vào chức vụ làm sao đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Vnexpress) |
“Chừng nào mà ta xây dựng được tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ dựa vào định lượng, tức là dựa vào thực tài thì chuyện bằng cấp không còn nặng nề nữa. Các cụ ta ngày xưa đi kháng chiến rồi về lãnh đạo đất nước có bằng đại học đâu. Yếu tố tiên quyết ở đây phải là thực tài. Thực tài ngoài yếu tố bẩm sinh còn là là sự nỗ lực tự học, tự nghiên cứu để đáp ứng công việc” – ông Lê Thanh Vân nói.
Theo đại biểu đoàn Cà Mau, việc sử dụng bằng giả không chỉ xảy ra ở Thái Nguyên, Đắk Lắk... mà diễn ra ở nhiều địa phương, không chỉ với những người có nhu cầu văn bằng, chứng chỉ giả để xin việc làm mà với cả những cán bộ “nguồn” muốn có thêm văn bằng, chứng chỉ để cạnh tranh, leo lên các chức vụ cao hơn nhưng lại không muốn thi hoặc không có thời gian đi học...
Những trường hợp này đã vi phạm phẩm hạnh công bộc của dân, lừa dối tổ chức Đảng và Nhà nước. Thời xưa, trong những tội gian dối thì gian dối bằng cấp là tội rất nặng và bị xử phạt như tội khi quân (lừa dối Vua-PV) thì mới đủ sức răn đe những đối tượng khác.
Theo ông Lê Thanh Vân: “Nếu không trừng trị mạnh, không đủ sức răn đe thì gian dối bằng cấp sẽ còn phổ biến. Ngoài cách chức, xử lý kỷ luật, cán bộ dùng văn bằng, giấy tờ giả còn vi phạm hình sự chứ không chỉ vi phạm hành chính. Bởi vì sử dụng bằng giả là một trong nhóm tội về sử dụng văn bằng, giấy tờ giả gây hậu quả nghiêm trọng. Văn bằng, chứng chỉ giả đó đã giúp cán bộ “chui sâu leo cao” gây ra hậu quả không chỉ là về trật tự quản lý của Nhà nước, mà nguy hại hơn với những người không đủ năng lực, trình độ nhưng vẫn đảm đương chức vụ quan trọng thì không thể đưa ra quyết định đúng đắn trong công tác quản lý được”.
Nghi vấn còn bao nhiêu người chưa bị lộ chuyện dùng văn bằng, chứng chỉ giả, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải tiến hành tổng rà soát công tác bổ nhiệm cán bộ trên cả nước, trong đó có cả tổng rà soát văn bằng, chứng chỉ của cán bộ công chức, viên chức.
Không để bằng cấp là gánh nặng với công chức
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận, các quy định về văn bằng, chứng chỉ trong việc bổ nhiệm, thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức đang gây phiền hà, nhiều thủ tục rườm rà. Một bất cập nữa là trong các quy định văn bằng, chứng chỉ hiện nay chưa phân được loại nào là cần, loại nào là đủ mà "cào bằng" toàn bộ vị trí việc làm. Mặt khác, có việc đòi hỏi phải có bằng cấp nhưng khi công chức thi vào lại phải làm lại, học lại.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, thì sẽ sửa ngay những tồn tại này để thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ hồ sơ thủ tục nào. Đồng thời quy định kiểm định tiêu chuẩn bằng cấp, chứng chỉ theo phương thức thực chất, không để những chuyện bằng cấp là gánh nặng đối với cán bộ, công chức.
Trả lời câu hỏi: “Khi những tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ thay đổi thì cách thức tuyển dụng công chức sẽ được thay đổi như thế nào để lựa chọn được công chức có năng lực?”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi thủ tục, cách làm khác với hiện nay để vừa tinh gọn, vừa nâng cao chất lượng công chức. Ví dụ việc tuyển dụng công chức có thể thực hiện bằng nhiều cách như phỏng vấn, trắc nghiệm, thi trên máy hoặc thi viết...
Sắp tới, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ đề án về kiểm định chất lượng đầu vào đối với công chức, viên chức. Theo đó sẽ thành lập các trung tâm, tổ chức kiểm định chất lượng công chức chung cho từng khu vực, lĩnh vực ngành nghề.
Người nào đã nhận được chứng nhận đạt chất lượng đầu vào thì cơ quan tuyển dụng chỉ cần phỏng vấn để phù hợp với từng vị trí việc làm, chứ không thực hiện quy trình tuyển dụng hai lần. Theo trưởng ngành Nội vụ, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay kiến thức chuyên môn lúc này sẽ do các trường đào tạo chịu trách nhiệm. Các trung tâm, tổ chức được giao nhiệm vụ kiểm định sẽ chỉ kiểm tra khả năng thực tế của các ứng viên.
“Khi các ứng viên được kiểm định chất lượng, các địa phương, cơ quan tuyển dụng chỉ phỏng vấn để tuyển chọn công chức theo từng vị trí công việc” – ông Lê Vĩnh Tân cho biết./.
Link: https://vov.vn/chinh-tri/can-bo-dung-van-bang-chung-chi-gia-con-bao-nhieu-nguoi-chua-bi-lo-981114.vov
Theo Kim Anh/VOV.