Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa làm việc tại tỉnh Điện Biên
Cải cách hành chính theo chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã giúp xử lý, giải quyết công việc nhanh, giảm bớt một số thủ tục rườm rà, quy trình thời gian giải quyết được công khai, rõ ràng đem lại những kết quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ tốt công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Điện Biên. |
Từ 1/01/2019 đến hết ngày 15/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 34 Quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thuộc thẩm giải quyết của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Trong đó: Công bố mới 196 TTHC, sửa đổi, bổ sung 155 TTHC, thay thế 27 TTHC, bãi bỏ 82 TTHC. Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính đang có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Điện Biên 2.120 thủ tục, trong đó: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh 1672 thủ tục; UBND cấp huyện 306 thủ tục; UBND cấp xã 142 thủ tục.
Tính đến hiện tại, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên đã được triển khai vận hành chính thức từ ngày 1/8/2019 tại địa chỉ https://dichvucong.dienbien.gov.vn. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã với tổng số 2.104 thủ tục hành chính, trong đó:1777 thủ tục hành chính mức độ 1, mức độ 2;245 thủ tục hành chính mức độ 3 (trong đó cấp tỉnh 220 TTHC; cấp huyện 23 TTHC; cấp xã 02 TTHC); 82 thủ tục hành chính mức độ 4 (trong đó cấp tỉnh 78 TTHC; cấp huyện 04 TTHC).
Kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh:Tổng số hồ sơ tiếp nhận đến ngày 17/8/2019: 1.984 hồ sơ (tổng số hồ sơ đã được xử lý: 1.077 hồ sơ;tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn: 86,54%). Đến nay đã có: 12/18 Sở, ban, ngành tỉnh; 10/10 huyện, thị xã, thành phố;25/130 xã, phường, thị trấn phát sinh hồ sơ xử lý qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Việc triển khai thực hiện đầu tư Hệ thống cung cấp Dịch vụ hành chính công trực tuyến (Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên) đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Toàn tỉnh tiếp tục duy trì, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 tại 19/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 12 chi cục, 02 ban trực thuộc sở; 10/10 UBND cấp huyện và 62 UBND cấp xã. Đảm bảo 100% các cơ quan hành chính nhà nước thuộc đối tượng phải xây dựng, áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 theo quy định. Tháng 5/2019, tỉnh phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn “Đánh giá viên nội bộ HTQLCL theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu của 30 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại UBND cấp xã tiếp tục được tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện, mục tiêu đến cuối năm 2019 có trên 70% đơn vị cấp xã công bố phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận và đánh giá cao kết quả cải cách hành chính của tỉnh Điện Biên. |
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CCHC và kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu ban hành đồng bộ các văn bản Luật và hướng dẫn thực hiện về Đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, đẩy mạnh phân cấp quản lý công chức, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương để tỉnh chủ động bố trí, sử dụng cán bộ; Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, xem xét sớm xây dựng các cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số công tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận và đánh giá cao kết quả cải cách hành chính của tỉnh Điện Biên, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn khách quan mà tỉnh gặp phải trong thời gian qua.
Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Điện Biên cần tăng cường chỉ đạo việc xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao vai trò lãnh đạo các cấp ngành để đẩy mạnh cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên kiểm tra ứng dụng công nghệ thông tin gắn với CCHC, bỏ bớt các thủ tục không cần thiết; tăng cường theo dõi, giám sát về công tác CCHC./.