Nghề "sửa" thời gian

Thứ Tư, 16/08/2023, 15:38 [GMT+7]

Điện Biên TV - Một thời chiếc đồng hồ đeo tay vừa là vật dụng quan trọng bất ly thân để xem giờ vừa là vật trang sức quý giá của nhiều người. Để giữ cho những chiếc đồng hồ quý giá ấy bền bỉ với thời gian luôn cần có những người thợ sửa đồng hồ. Họ là những người cần mẫn “sửa” thời gian, làm đẹp cho đời và là một phần làm cho những góc phố thêm dấu ấn, thêm sinh động. Xã hội hiện đại hôm nay liệu có phải đã vắng bóng những người thợ sửa đồng hồ?

Giữa phố thị ồn ào đa dạng cửa hàng, chẳng cần biển quảng cáo lớn, sau chiếc tủ gỗ nhuốm màu thời gian, ông Phạm Mạnh Cường vẫn ngày ngày tỉ mẩn ngồi sửa đồng hồ.

Có lẽ chẳng cần biển hiệu quảng cáo lớn là bởi cách trưng bày cùng chiếc tủ kính gỗ cũng đã tỏ rõ ngành nghề. Vài cái đồng hồ cũ với chục sợi dây đeo treo theo bề mặt tủ là đủ tiếp thị. Quan trọng hơn ở cái nghề này là tay nghề và uy tín của người thợ. Tay nghề sẽ làm nên tiếng tăm, uy tín của từng người thợ. Khách cũng truyền tai nhau mà tự tìm đến.

Bởi vậy mà ông Cường vẫn làm nghề mấy chục năm mà chẳng cần biển hiệu quảng cáo to lớn nào. Một chiếc kính lúp nhỏ gắn vào một bên mắt, một chiếc nĩa gắp, ông Cường bỏ quên cả thời gian vì để tìm lại thời gian cho những chiếc đồng hồ bị hỏng.

Chẳng nói thì ai cũng hay, nghề sửa chữa đồng hồ cần một cái tâm tĩnh, sự kiên nhẫn, đôi mắt tinh và đôi tay vững vàng. Ở nghề này còn đòi hỏi sự thông hiểu các loại đồng hồ, biết sáng tạo phụ kiện thay thế cho những thứ đắt đỏ, hiếm hoi.

1
Mặc sự xoay vần của đời sống, đã gần 50 năm trôi qua ông Cường vẫn miệt mài sau chiếc tủ nhỏ "bắt bệnh" cho những chiếc đồng hồ.

Nghề chọn người hay người chọn nghề đâu còn quan trọng, hơn tất cả là ông Cường đã gắn bó với nghề này gần 50 năm. Từ thời hoàng kim khách đông nườm nượp cho đến hôm nay khách đã thưa dần thì ông vẫn lặng sửa thời gian.

Ở phố cũ Nam Thanh, ngoài ông Cường còn có 2 thợ sửa đồng hồ cũng có tuổi nghề 40 - 50 năm. Họ đều cùng một thầy dạy nghề mà trưởng thành, mà gắn bó, mà sống cả đời với nghề này. Dẫu là lượng khách đã vắng đi nhiều. Nhưng với quan niệm nghề nào cũng có lúc thịnh, lúc suy theo xu thế phát triển của xã hội nên họ vẫn gắn bó với nghề sửa đồng hồ. Họ vẫn tin rằng công việc của mình là một phần của xã hội. Là nghề làm đẹp cho đời mà không phải ai cũng làm được.

Xã hội phát triển kéo theo sự ra đời của nhiều loại đồng hồ. Những dòng đồng hồ cơ nổi tiểng của Thụy Sỹ, Anh hay Nhật Bản phần lớn dành cho tầng lớp thượng lưu. Dòng đồng hồ đẳng cấp đó ngày nay người dùng thường đến cửa hàng to để mua và cũng bảo hành, sửa chữa tại đó.

Đáng nói nhất là sự ra đời của những chiếc đồng hồ thời trang giá thành rẻ. Nhiều người ưa chuộng sử dụng và cũng dễ dàng vứt bỏ khi hư hỏng. Mặt khác người ta cũng có thể xem thời gian từ nhiều thiết bị. Hay ở một bộ phận giới trẻ họ ưa chuộng thế hệ đồng hộ điện tử, đồng hồ thông minh. Vì những lẽ đó mà người thợ sửa đồng hồ ngồi sau những chiếc tủ nhỏ thầm lặng ở những góc phố qua mỗi nằm dần vắng bóng.

Có những người thợ sửa đồng hồ đã chuyển nghề hoặc thêm hướng kinh doanh mới. Đó cũng là sự vận động để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Nhưng thật đáng ghi nhận vẫn có những người thợ như ông Cường. Qua bao tháng năm, qua lúc thịnh và cả lúc suy của nghề họ vẫn lặng lẽ gắn bó với nghề.

Giữa tấp nập nhộn nhịp của thành phố Điện Biên Phủ, hằng ngày họ cặm cụi, nhẫn nại và tỉ mỉ tìm tòi, sửa chữa từng lỗi nhỏ để trả lại nhịp chuẩn thời gian cho những chiếc đồng hồ. Phố xá đã vắng bóng dần những người thợ sửa đồng hồ nhưng những người như ông Cường vẫn theo nghề này bởi họ có niềm tin còn thời gian là còn đồng hồ, và còn đồng hồ là còn có nghề!

 

 

Hoàng Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN

 

.