Khó khăn của người ở lại

Thứ Hai, 19/12/2022, 17:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, đến nay, hơn 200 hộ dân ở tổ dân phố 1, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ thuộc diện phải giải tỏa đã  di dời và ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Tuy nhiên, vẫn còn 7 hộ dân tại đây không nằm trong diện di dời đang sống chơ vơ hơn 1 năm nay và phải đối mặt với khó khăn chồng chất.

“Chúng tôi sử dụng nước giếng khoan, nhưng ở vùng cánh đồng bị nhiễm chất sắt nhiều nên nó đục ngầu và đỏ. Chúng tôi lọc qua cát rồi nhưng để đến hôm sau nó vẫn đóng váng lên.” - Đây là chia sẻ của ông Đỗ Văn Vân hiện đang cư trú tại tổ dân phố 1, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ về tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo của các hộ dân trong khu vực.

Không có nước sạch sử dụng không phải là khó khăn duy nhất khi mà sản xuất nông nghiệp - nguồn thu nhập chính của 7 hộ dân tổ dân phố 1, phường Thanh Trường cũng đang gặp những trở ngại trong hơn 1 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do dân cư thưa thớt, không thể tự bảo vệ đồng ruộng nên các diện tích lúa, ngô vụ đông của các gia đình thường xuyên bị gia súc chăn thả tại các khu vực lân cận vào phá hoại.

1
Những chậu nước đục đỏ là minh chứng cho nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, khiến người dân không khỏi lo lắng.

“Chúng tôi chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Giờ chỉ còn 7 hộ dân sinh sống, canh tác nên việc trông coi đồng ruộng rất khó khăn, thường bị trâu, bó phá hoại.”- chị Trần Thị Hiệp, tổ dân phố 1, phường Thanh Trường, nói.

Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, từ giữa năm 2021, tại khu vực này của tổ dân phố 1, phường Thanh Trường có khoảng 100 hộ dân thuộc diện phải giải tỏa và đã di dời về các khu tái định cư do tỉnh bố trí. 7 hộ dân với 30 nhân khẩu còn lại không thuộc diện di dời đang sống chơ trọi ở vùng đất như "ốc đảo" - giữa xung quanh là cánh đồng và phần đất thuộc dự án.

Sau kiến nghị, phản ánh của người dân, tại buổi tiếp công dân định kỳ thời điểm cuối tháng 1/2022, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã gặp gỡ và đồng ý chủ trương thu hồi, bồi thường và bố trí tái định cư đối với các hộ dân ở đây. Đồng thời, đề nghị các ngành liên quan và thành phố Điện Biên Phủ phối hợp, giải quyết thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu địa phương khẩn trương, tập trung giải quyết. Tuy nhiên, gần 1 năm qua người dân vẫn chưa được di dời đến nơi tái định cư mới.

1
7 hộ dân không thuộc diện di dời đang sống chơ trọi ở vùng đất như "ốc đảo" mong mỏi sớm được bố trí tái định cư về nơi ở mới.

“Chúng tôi ở đây có 7 hộ gia đình, đại đa số là người già và trẻ em. Tâm tư của nhân rất mong UBND tỉnh, UBND thành phố cùng các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh sớm quan tâm giải quyết cho chúng tôi về nơi tái định cư mới để an cư lạc nghiệp, sinh hoạt cộng đồng và các cháu đi học được thuận tiện hơn.” - ông Đỗ Văn Vân, tổ dân phố 1, phường Thanh Trường, kiến nghị.

Trước những khó khăn trong đời sống và sản xuất, mong muốn được di dời và ổn định cuộc sống tại nơi tái định cư mới của người dân nơi đây là có cơ sở và chính đáng. Thế nhưng câu hỏi bao giờ được di dời? Có lẽ các hộ dân nơi đây vẫn chỉ có thể tiếp tục chờ đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng và chính quyền TP. Điện Biên Phủ./.

 

 

Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN
 

.