Phát huy hiệu quả từ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp"
Điện Biên TV - Với mục tiêu khơi dậy tinh thần của hội viên phụ nữ trong khởi nghiệp, tạo cơ hội tốt nhất để các hội viên vươn lên phát triển kinh tế, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhờ vậy, nhiều chị em phụ nữ đã tự tin, mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 -2025 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động từng bước nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Trong 5 năm thực hiện Đề án từ 2017 - 2021, nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp đã được triển khai. Theo đó, 23.000 hội viên phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua 1.700 cuộc tuyên truyền; gần 1.000 phụ nữ đã được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hơn 27.000 hội viên phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với tổng số tiền 377 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ trên 700 triệu đồng để phát triển các ý tưởng khởi sự kinh doanh được phát hiện từ cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” hàng năm.
Được sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, nhiều hội viên, đặc biệt là hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số đã mạnh dạn khởi sự kinh doanh và có được những thành công đáng ngưỡng mộ. |
Bà Vừ Đào My, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên, cho biết: “Chị em phụ nữ cơ bản xuất phát từ vùng nông thôn chưa tự tin, chưa sáng tạo. Khi được các cấp hội tiếp sức thì chị em đã mạnh dạn hơn. Sau khi chúng tôi hỗ trợ kiến thức kinh doanh ở 5 năm trước đến nay đã có các chị thành công. Năm nay, chúng tôi mời các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ chị em ở tầm cao mới.”
Mô hình sản xuất rượu men lá truyền thống của hội viên Lò Thị Việt Hà, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu. Đây cũng là mô hình giành giải nhất trong cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2021. Không chỉ xây dựng thành công thương hiệu cho rượu men lá truyền thống của dân tộc Thái, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà mô hình khởi nghiệp của chị Hà hiện còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Không giới hạn ở phương thức kinh doanh truyền thống, hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đang được các cấp Hội Phụ nữ hướng đến nhằm hỗ trợ hội viên khởi nghiệp hiệu quả hơn. (Ảnh minh họa) |
“Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều loại rượu giả, rượu kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Bản thân tôi là người con của đồng bào dân tộc Thái, cùng với niềm đam mê tôi cùng gia đình mạnh dạn xây dựng dự án khôi phục và nâng cao chất lượng rượu của đồng bào dân tộc Thái và phân phối đến với mọi miền Tổ quốc. Tôi mong muốn giá trị đó được lưu giữ và bảo tồn." - chị Lò Thị Việt Hà, chia sẻ.
Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh xác định cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các hội viên phụ nữ trong tỉnh giúp nhau khởi nghiệp. Song song với đó, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, quỹ hỗ trợ. Từ đó, góp phần khơi nguồn, động viên phụ nữ dám nghĩ, dám làm, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo./.
Nguyễn Hằng - Đức Bình/DIENBIENTV.VN