Phạt tiền nếu không phân loại rác: Vì sao lại có quy định này?
Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Nhưng vấn đề là làm thế nào cho hiệu quả?
Phạt đến 1 triệu đồng nếu không phân loại rác thải sinh hoạt từ 25/8
Rác thải ngập tràn nhiều tuyến phố ở Hà Nội trong cái nóng tháng 6 vừa qua. Người dân thủ đô cũng đã quen với việc cứ khi nào nhà máy đốt, bãi chôn lấp quá tải.. là phải chịu đựng cảnh như vậy. Có thể thấy gần như rác không được phân loại. Phần lớn là sẽ phải đợi chôn lấp. Trong khi khối lượng rác phát sinh mỗi ngày vẫn không ngừng gia tăng.
Theo Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, từ 25/8, cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Đây là 1 trong những quy định mới nhất, nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.
Các xe rác tràn ra đường khiến giao thông trên đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy) gặp khó khăn (ảnh chụp sáng 17/6). (Ảnh: TTXVN) |
Trước đây chúng ta có Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021 cũng đã quy định xử phạt hành chính đối với việc phân loại rác.
Về lý do tiếp tục phải ban hành Nghị định sửa đổi lần này, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: "Nghị định 155 và 55 trước là quy định theo theo Luật bảo vệ môi trường 2014 còn Nghị định lần này theo Luật năm 2020 với rất nhiều nội dung mới về quản lý rác thải sinh hoạt. Do đó phải có Nghị định mới để có chế tài áp dụng đối với các chủ thể không thi hành quy định".
"Có nhiều quy định mới với các mức phạt, hành vi bị phạt mới. Ví dụ trước chúng ta chưa quy định phân loại rác tại nguồn thì lần này đã quy định. Nghị định trước cũng chưa quy định những đơn vi thu gom, xử lý. Những hành vi này đã có chế tài theo Nghị định 45" – ông Hoàng Dương Tùng cho biết.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường, lãng phí quỹ đất từ rác thải sinh hoạt
Lượng rác tại Hà Nội hiện nay được chôn lấp là chủ yếu. Trong khi đó, cách đây hơn 10 năm, đề án phân loại rác thải tại nguồn được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội triển khai thí điểm tại một số quận nội thành của Hà Nội nhưng sau một thời gian đã hoạt động không hiệu quả.
Từ năm 2006, Hà Nội đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Với mục tiêu nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau thời gian thí điểm, lượng rác đưa đi chôn lấp giảm 30%, Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm, dự án đã phải dừng lại do JICA dừng tài trợ chương trình.
Dự án phân loại rác tại nguồn không thể tiếp tục triển khai sau 3 năm thí điểm. Dự án đổi rác tái chế lấy quà tặng cũng chưa thực sự được triển khai rộng rãi. Rác của Hà Nội và các đô thị khác của Việt Nam vẫn được chất đống hàng ngày và chôn lấp. Trong khi đó, bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn của Hà Nội đã gần đầy.
Khu xử lý chất thải Nam Sơn quá tải |
Mỗi ngày, có khoảng hơn 9 nghìn tấn rác sinh hoạt ở TP Hồ Chí Minh. Đà Nẵng là khoản hơn 1,2 nghìn tấn. Còn thành phố Hà Nội phát sinh gần 7 nghìn tấn rác thải sinh hoạt. Hầu hết lượng rác tại Hà Nội hiện nay được chôn lấp là chủ yếu.
Phần lớn rác không được phân loại, trong khi khối lượng rác phát sinh mỗi ngày vẫn không ngừng gia tăng, dẫn đến việc có khoảng 70% rác thải sinh hoạt được chôn lấp, gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, lãng phí quỹ đất.
Về quy định phân loại rác tại nguồn, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Urenco 3, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội nhấn mạnh: "Đây là chương trình rất đúng đắn, cần thực hiện từ lâu. Hiện tại Nghị định mới ra ngày 7/7/2022 nên chúng tôi vẫn đang nghiên cứu. Quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải tuyên truyền từ các tổ dân phố đến các cán bộ phường".
Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Rõ ràng ý thức của từng người dân là rất quan trọng. Nhưng vấn đề là làm sao phân loại đồng bộ và hiệu quả thì mới kết quả thực chất xuyên suốt từ khâu phân loại, thu gom, đến xử lý cuối cùng.
Cũng theo lộ trình đưa ra trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020, đến năm 2025, khoảng 3 năm nữa thôi, các địa phương sẽ từng bước tính phí thu gom, xử lý rác thải theo khối lượng. Ai xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền.
Link: https://vtv.vn/xa-hoi/phat-tien-neu-khong-phan-loai-rac-vi-sao-lai-co-quy-dinh-nay-20220713232907745.htm
Theo VTV