Lấn chiếm đất đai do buông lỏng quản lý

Thứ Sáu, 27/05/2022, 10:38 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sự việc người dân bản Suối Lư, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông lấn chiếm đất đai san ủi trái phép thay đổi hiện trạng đất đã diễn ra từ nhiều năm qua với mức độ ngày càng gia tăng. Các công trình xây dựng trái phép đã hình thành đưa vào sử dụng đang thách thức dư luận và các cơ quan có thẩm quyền.

Tình trạng lấn chiếm đất đai tại bản Suối Lư, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông bắt đầu nóng lên sau khi thực hiện công trình cầu, đường trên trục quốc lộ 12C đi qua địa phận bản Suối Lư. 

Ông Quàng Ngọc Tiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên Đông cho biết: “Theo quy định đã thực hiện phần thu hồi bồi thường công trình dự án, đã có mốc giới thực hiện thu hồi và các hộ gia đình bị ảnh hưởng cũng đã được nhận tiền bồi thường chi trả theo quy định. Sau khi hoàn thành cây cầu và con đường, các phần đất đã thu hồi một số hộ gia đình có tái lấn chiếm, sử dụng lại để kinh doanh buôn bán hàng hóa.”

Mặc dù cấp ủy, chính quyền từ huyện tới xã và các cơ quan chức năng đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu chấm dứt san, ủi, lấn, chiếm đất đai mà điểm nóng là khu vực đầu cầu Suối Lư nhưng các hộ gia đình vẫn không chấp hành. Tại vị trí đất từ nhà ông Trần Ngọc Thu dài khoảng hơn 100m dọc quốc lộ 12C đến chân cầu Suối Lư trước đây là hủm sâu có rãnh thoát nước. Tuy nhiên, sau khi được đầu tư, nâng mặt đường và xây dựng cầu mới, nhiều hộ dân đã tự ý san lấp, dựng nhà kinh doanh.

1
Tình trạng người dân bản Suối Lư, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông lấn chiếm đất đai thay đổi hiện trạng đất đã diễn ra từ nhiều năm qua.

“Nguyên nhân thay đổi của hiện trạng đất là đất liền kề ở thung lũng sau khi làm đường thì cao lên khoảng 5m. Dân đã tự động đôn san lấy đường vào khu đất còn lại của gia đình để đi lại thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày.”- ông Trần Văn Vưng, Trưởng bản Suối Lư, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông nói.

Tuy nhiên, thực tế không như những gì mà ông Trưởng bản Trần Văn Vưng nói, hầu hết các hộ gia đình sau khi san lấp xong đều dựng nhà để ở, làm nơi kinh doanh hoặc cho thuê để kinh doanh. Thậm chí có hộ còn thực hiện mua bán, chuyển nhượng với giá trị giao dịch hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là đã có những hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bằng giấy viết tay được UBND xã xác nhận; cho dù thời điểm người dân lấp đất trái phép, xã cũng đã có biên bản yêu cầu tạm dừng san lấp.

Ông Quàng Ngọc Tiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên Đông: “UBND xã Phì Nhừ đã có các biên bản tự ý đổ đất vào các khu vực đó. Tuy nhiên, khi lập biên bản đình chỉ thì các hộ dừng lại. Sau đó, vào ngày nghỉ các hộ tranh thủ đổ đất UBND xã không phát hiện được, không nắm bắt kịp thời”.

Việc để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, san lấp và xây dựng trái phép trước hết là trách nhiệm của chính quyền cơ sở không kịp thời phát hiện và kiên quyết ngăn chặn hành vi vi phạm về quản lý sử dụng đất đai. Thực trạng này đã và đang để lại hệ lụy phức tạp, kéo dài. Các cơ quan chức năng huyện Điện Biên Đông cần khẩn trương vào cuộc làm rõ và giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất trái phép này.

 

 


Việt Hòa - Tiến Thành/ DIENBIENTV.VN

 

.