Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động

Thứ Năm, 26/05/2022, 06:49 [GMT+7]

Trong ngày làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

d
Ảnh: TTXVN

Ngày 26/5, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ 3 tại Nhà Quốc hội.

Buổi sáng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Làm rõ khái niệm về biện pháp vũ trang

Việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; đồng thời giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

s
Ảnh minh họa

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động như kinh phí, cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động.

Tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Đa số ý kiến các thành viên UBTVQH tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Nhiều ý kiến đề nghị, cần giữ điều khoản về giải thích từ ngữ. Trong đó, cân nhắc quy định rõ về biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị, một số khái niệm khác trong chức năng, nhiệm vụ cần tiếp tục nghiên cứu rà soát và giải thích rõ. Về phối hợp giữa cảnh sát cơ động và cơ quan tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan cần nhấn mạnh sự chỉ huy thống nhất, sự lãnh đạo tập trung và việc chủ trì phối hợp với các lực lượng khác trong các nhiệm vụ.

Về quyền hạn của CSCĐ, UBTVQH cho rằng dự thảo đã dự kiến tiếp thu, chỉnh lý về quyền hạn CSCĐ thể hiện được quan điểm của đại biểu Quốc hội không chồng chéo về quyền hạn với lực lượng khác . Tuy nhiên, do thực hiện quyền hạn CSCĐ có liên quan nhiều đến hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền.

Link: https://vtv.vn/chinh-tri/ngay-26-5-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-canh-sat-co-dong-20220525220456861.htm

 

 

Theo VTV

.