Điện Biên chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam

Thứ Ba, 10/08/2021, 17:25 [GMT+7]

Điện Biên TV - Phát huy truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, những năm qua, công tác chăm sóc nạn nhân da cam luôn được các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Qua đó góp phần chăm lo, động viên cả vật chất và tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam vượt qua nỗi đau, khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị vào những tháng ngày khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, cựu chiến binh Lê Xuân Chinh - người được nhiều người biết đến qua bức ảnh có nụ cười rạng rỡ bên thành cổ Quảng Trị may mắn sống sót trở về, nhưng trong mình mang nhiều vết thương và chất độc hóa học da cam...

Đã ngoài 70 tuổi, niềm hạnh phúc giản đơn được quây quần bên con cháu, an nhàn tuổi già lại là điều ông không có được khi lần lượt người con trai, cháu nội đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Những đứa con, đứa cháu sinh ra mang những nỗi đau thể xác và tinh thần như càng xoáy sâu thêm nỗi đau của người cựu chiến binh đã kiên cường chiến đấu vì độc lập, tự do của tổ quốc.

1
Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (bìa trái) bị nhiễm chất độc hóa học khi tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị.

“Tôi là thương binh hạng 4/4 mang chất độc da cam. Tôi có 1 con trai sinh cháu nội ra thì đặt đâu năm đấy, được 13 tuổi thì cháu mất. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của tôi cũng bớt khó khăn phần nào” - Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh, hiện đang cư trú tại đội 4, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên chia sẻ.

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhiều cựu chiến binh hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam và bị nhiễm chất độc hóa học. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 250 nạn nhân chất độc da cam, trong đó gần 40 người là thế hệ thứ 2 bị ảnh hưởng.

Ông Đoàn Văn Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Điện Biên cho biết, nhiều năm qua, thông qua nguồn quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở, tặng quà nhân dịp lễ tết, hỗ trợ hội viên vay vốn sản xuất... Cùng với đó, công tác chăm sóc, hỗ trợ các nạn nhân được duy trì thường xuyên và hiệu quả, góp phần bảo đảm quyền lợi, động viên nạn nhân hòa nhập với cộng đồng.

1
Nhiều hoạt động ý nghĩa được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Điện Biên triển khai nhằm động viên, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của các CCB nhiễm chất độc hóa học.

Chiến tranh dù đã lùi xa, nhưng sự khốc liệt của nó vẫn hằng ngày hiện hữu trong cơ thể, dưới mái nhà nạn nhân chất độc da cam. Sự quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng như lời động viên, trở thành động lực tiếp thêm cho họ niềm tin vào cuộc sống, vơi bớt đi nỗi đau của cuộc chiến tranh để lại.

Nhìn lại 60 năm kể từ khi thảm họa da cam gây nên đau thương, mất mát cho các thế hệ người dân Việt Nam, đến nay có thể khẳng định, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh kéo dài nhất, gây hậu quả thảm khốc trong lịch sử loài người. Nỗi đau da cam kéo dài từ đời ông, đời cha đến thế hệ con cháu sinh ra trong thời bình. Bởi vậy, chia sẻ, đồng hành cùng nạn nhân da cam  bằng những việc làm cụ thể, thiết thực là trách nhiệm của cả cộng đồng, góp phần chia sẻ với những người đã cống hiến, hi sinh cho độc lập tự do của dân tộc./.

 

 

Minh Trang - Chí Công/DIENBIENTV.VN
 

.