Vì sao Covid-19 lan nhanh như "vũ bão", cướp đi nhiều sinh mạng hơn SARS?

Thứ Sáu, 10/04/2020, 15:56 [GMT+7]

Để trở thành một virus lợi hại, SARS-CoV-2 phải “giữ cho vật chủ tồn tại nhằm tiếp tục thực hiện việc lây nhiễm”.

SARS-CoV-2 không phải là virus đầu tiên lây lan nhanh chóng từ quốc gia này sang quốc gia khác và Covid-19 cũng không phải dịch bệnh đầu tiên được tuyên bố là đại dịch, nhưng chỉ trong 1 thời gian ngắn, hàng chục nghìn người đã mất mạng sống và hàng triệu người mất công ăn việc làm.

1
Người dân trong trang phục bảo hộ rời thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào ngày 8/4. Ảnh: AFP.

Có những điểm tương đồng giữa Covid-19 và SARS – đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21, bùng phát vào đầu năm 2003. Cả 2 dịch bệnh này đều do virus corona gây ra, được cho là có nguồn gốc từ các khu chợ bán đồ tươi sống của Trung Quốc. Trước khi bị dập tắt, SARS lan ra khoảng 30 quốc gia trên thế giới, gây nhiễm hơn 8.000 người và khiến 447 người thiệt mạng. WHO tuyên bố đây là đại dịch vào giữa năm 2003. Con số nói trên rất lớn, nhưng không thấm vào đâu so với Covid-19, đến nay đã khiến hơn 1,6 triệu người mắc bệnh và gây ra hơn 95.700 ca tử vong.

SARS cướp đi sinh mạng của 14% đến 15% trong tổng số những người mắc bệnh. Còn theo đánh giá của WHO, tỷ lệ tử vong do Covid-19 hiện ở mức từ 3% đến 4%.

Tại sao Covid-19 khiến nhiều người chết hơn SARS?

Peter Collignon, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Trường Y của Đại học Quốc gia Australia, một phần là do phạm vi ảnh hưởng của Covid-19 đối với con người. Ông cho biết, vấn đề nằm ở chỗ virus có thể không được phát hiện bởi phần lớn những người nhiễm bệnh mắc các triệu chứng nhẹ.

“Trái lại,  SARS dù có tỷ lệ tử vong tương đối cao nhưng lại ít lây lan hơn vì mọi người có thể phát hiện nhanh chóng. Giống như Ebola, căn bệnh từng khiến một số lượng lớn người bị mắc và tử vong. Trước khi nó lây lan, chúng ta sẽ biết về nó”, chuyên gia Collignon nhấn mạnh.

Phó giáo sư y khoa Sanjaya Senanayake tại trường Đại học Quốc gia Australia cho biết, các virus như SARS-CoV-2 phát triển mạnh bằng cách để cho người bệnh sống sót.

“Trên thực tế, để trở thành một virus lợi hại, nó phải giữ cho vật chủ tồn tại để có thể tiếp tục thực hiện việc lây nhiễm”, ông Sanjaya Senanayake nhận xét.

Khi được hỏi tại sao Covid-19 lại khiến các chính phủ trên thế giới đưa ra phản ứng mạnh mẽ như vậy, chuyên gia Senanayake nói: "Dịch bệnh rất dễ lây lan và không ai trong chúng ta có khả năng miễn dịch".

Vấn đề đáng sợ khác, theo giáo sư Stuart Tangye thuộc Viện nghiên cứu y khoa Garvan, là nhiều người mang mầm bệnh thầm lặng, thậm chí không biết là họ mắc bệnh cho đến khi mọi chuyện quá muộn.

“Về cơ bản, vẫn có rất nhiều người khỏe mạnh mang virus từ sớm, và họ không biết rằng họ đã vô tình lây lan virus cho những người xung quanh”, ông Stuart Tangye lưu ý.

Chuyên gia Stuart Tangye lý giải: “Chẳng hạn như có 1 vài người trên thuyền mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng. Khi tất cả đều xuống thuyền đột nhiên nhận ra rằng hàng trăm người dương tính với virus. Những người này mang virus trên mình, đi khắp nơi và khắp các khu vực khác của đất nước và trên thế giới”.

Trong khi đó, đối với dịch SARS và dịch MERS, mọi người thường có triệu chứng điển hình khi họ mắc bệnh. “Các triệu chứng xuất hiện không lâu sau khi bạn bị nhiễm virus, do đó bạn được nhanh chóng cách ly để tránh lây nhiễm cho cộng đồng”.

So sánh với cúm, thì Covid-19 cũng có những diễn biến phức tạp hơn. Ước tính, bệnh cúm gây ra khoảng 646.000 ca tử vong mỗi năm. Nhưng giáo sư Tangye cho biết, có 3 điều giúp phân tách cúm với Covid-19 đó là: miễn dịch cộng đồng, vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị. Các loại thuốc kháng virus có thể rút ngắn thời gian bị cúm. Nhưng với Covid-19, con người chưa đạt được bất cứ điều gì trong 3 thứ trên, do đó mọi người không được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm của virus. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong do Covid-19 cũng được cho là cao hơn so với hầu hết các chủng cúm.

Tiến hóa hơn so với virus gây dịch SARS

SCMP dẫn một nghiên cứu mới đây cho biết, virus SARS-CoV-2 có thể nhân số lượng nhanh chóng trong cổ họng con người, khiến nó dễ lây từ người sang người hơn so với SARS. Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Nature ngày 1/4 do nhóm các nhà khoa học của Đức và Anh thực hiện, dựa trên việc điều trị lâm sàng của một nhóm 9 bệnh nhân mắc Covid-19. 9 bệnh nhân này đều có triệu chứng nhẹ, với lứa tuổi từ trẻ đến trung niên đang được điều trị tại một bệnh viện ở Munich.

Theo đó, dịch họng lấy ở các bệnh nhân trong tuần đầu tiên xuất hiện triệu chứng mắc Covid-19 cho kết quả dương tính với virus. Tuy nhiên dịch họng lấy từ các bệnh nhân mắc SARS chỉ cho ra chưa đến 40% kết quả dương tính. “Ngoài ra, lượng virus cũng khác biệt đáng kể giữa bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân SARS. Trong nghiên cứu hiện tại, mật độ cực đại của virus SARS-CoV-2 xuất hiện trước ngày thứ 5 và thậm chí cao gấp hơn 1.000 lần so với mật độ của chủng virus gây bệnh SARS ở thời điểm cực đỉnh. Điều này cho thấy chủng virus gây dịch Covid-19 đã tự nhân lên gấp bội ở các tế bào của đường hô hấp trên”.

Giống như chủng virus corona gây dịch SARS, virus SARS-CoV-2 có các gai protein giúp nó hợp nhất với một thụ thể trong tế bào của người, có tên gọi ACE2, cho phép virus xâm nhập vào tế bào. Những thụ thể này xuất hiện nhiều hơn ở đường hô hấp dưới, do vậy bệnh nhân thường dễ bị tổn thương phổi khi mắc Covid-19.

Tuy nhiên, các gai của SARS-CoV-2 có những đặc tính vượt trội khiến nó kết nối tốt hơn với tế bào của con người. Các nhà nghiên cứu Đức nhấn mạnh, nhờ đặc tính này mà virus có thể xuất hiện với mật độ cao ở đường hô hấp trên, mặc dù bộ phận này có ít thụ thể ACE2 hơn đường hô hấp dưới.

Theo nghiên cứu, virus gây dịch Covid-19 giống virus gây dịch SARS ở khả năng tự sao chép trong phổi và đường tiêu hóa. Nhưng SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn bởi nó có thể sinh sôi với số lượng lớn trong cổ họng người bệnh và sau đó lây lan qua các giọt bắn của người bệnh./.
 

Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-covid19-lan-nhanh-nhu-vu-bao-cuop-di-nhieu-sinh-mang-hon-sars-1035328.vov

Theo Hồng Anh/VOV

.