Người đam mê với cây đàn Tính tẩu
Điện Biên TV - Ở xã Mường Đun- huyện Tủa Chùa, ai cũng biết đến anh Lường Văn Phối bởi anh là người say mê với việc chế tác và truyền dạy cách chơi đàn tính tẩu cho các thế hệ con, cháu với mong muốn tiếng đàn tính của người Thái trắng bản Hột được lưu truyền lại cho nhiều thế hệ mai sau.
Cách đây gần 20 năm, vì say mê với những âm thanh quyến rũ của cây đàn tính tẩu 3 dây, chàng trai trẻ Lường văn Phối đã lặn lội "Cơm đùm, cơm nắm" tìm đến các nghệ nhân làm tính tẩu có tiếng trong vùng để học cách chế tác loại nhạc cụ dân tộc này.
Anh Lường Văn Phối (Bên trái), xã Mường Đun- huyện Tủa Chùa, người đam mê cây đàn Tính tẩu |
Anh Phối cho biết: đàn Tính tẩu có 6 bộ phận nhưng đàn đạt chuẩn hay không lại ở bầu đàn. Người chế tác phải chọn được quả bầu già, kích thước vừa phải, vỏ mỏng, đem cạo sạch lõi và phơi khô nhiều tháng, khi vỏ bầu hóa gỗ sẽ cưa đôi, lấy phần dưới làm bầu đàn. Mặt đàn thường được làm bằng gỗ. Cần đàn làm bằng các loại gỗ nhẹ, mịn, ít bị cong vênh do nhiệt và lực căng của dây. Độ dài cần đàn được làm theo độ dài ngắn sải tay của người chơi đàn…v..v.
Đàn tính tẩu có loại 2 dây, có loại 3 dây, có thể độc tấu, đệm cho hát, múa và hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc thuộc bộ hơi, như: sáo trúc, sáo bầu, đàn nhị, pí pặp..vv. Do chất lượng đàn đàn của anh Phối có phần nổi trội hơn các loại đàn tính hiện có bán trên thị trường nên khách hàng muốn có được 1 cây đàn tính vừa ý thường phải đặt hàng trước 1 vài tháng.
Cũng vì niềm đam mê với cây đàn tính nên anh Phối đã trao đổi với Ban giám hiệu Trường PTDTBT-THCS Mường Đun cho phép anh hàng tuần được dậy ngoại khóa miễn phí cho các em học sinh trong trường cách sử dụng đàn tính tẩu
Hàng tuần anh Lường Văn Phối tổ chức dạy miễn phí cho các em học sinh Trường PTDTBT-THCS Mường Đun về cách sử dụng đàn tính tẩu |
Niềm đam mê cây đàn tính của anh Phối đã có sức lan tỏa đến không ít các thế hệ học sinh nhà trường. Bên cạnh đó, cây đàn tính còn có tác dụng bổ trợ mạnh mẽ cho phong trào học và viết chữ Thái hiện đang được Trường PTDTBT-THCS đưa vào là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục phổ thông của nhà trường.
Thầy giáo Hoàng Văn Kế, Giáo viên Trường PTDTBT-THCS Mường Đun cho biết: Qua việc học âm nhạc thái đã góp phần giúp cho học sinh hiểu về văn hóa của dân tộc thái từ đó giúp các em hiểu về lịch sử dân tộc thái và giúp cho việc học tiếng của người thái trắng của Mường Đun ngày càng phát triển.
Ở mỗi nơi, mỗi nghệ nhân chế tác đàn tính lại có cách chọn lựa vật liệu cũng như phương pháp chế tác khác nhau nhưng cũng như anh Lường Văn Phối khi đã có niềm đam mê và gắn bó với cây đàn tính thì đều có một mong muốn chung lớn nhất, đó là lưu truyền cây đàn tính đến các thế hệ về sau, để tiếng đàn tính sẽ được chảy mãi, xuyên suốt, trở thành nét văn hóa độc đáo riêng có của cộng đồng người dân tộc Thái huyện Tủa Chùa
Phạm Hải - Minh Hòa/DIENBIENTV.VN