Điện Biên

Độc đáo cấu trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái

Thứ Bảy, 05/10/2019, 06:54 [GMT+7]

Điện Biên TV - Kiến trúc nhà sàn Thái cổ là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên. Đặc biệt là ở bản Che Căn xã Mường Phăng huyện Điện Biên dù đang hòa chung cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được bản sắc độc đáo của những ngôi nhà sàn truyền thống.

1
Kiến trúc nhà sàn Thái cổ là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên

Bản Che Căn xã Mường Phăng hiện có gần 80 hộ dân, tất cả đều vẫn giữ nguyên trạng cấu trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái. Việc giữ gìn văn hóa nhà sàn luôn trong ý thức của người dân nơi đây. Theo quan niệm từ cha ông để lại, người Thái rất coi trọng nơi đặt nhà, hướng nhà phải trùng với hướng núi, rộng, thoáng và đặt làm sao để ngôi nhà được hài hòa với thiên nhiên và đặc biệt phải gần nguồn nước.

Do đó những ngôi nhà sàn ở bản Che Căn này đều đặt ở địa thế cao ráo, thoáng mát với lưng tựa vào đồi núi, mặt quay ra sông, suối hoặc cánh đồng. Trước đây, đời sống khó khăn, nhà sàn của người dân nơi đây thường làm đơn giản, lợp tranh, thưng ván chỉ là tre nứa.

Sau khi giải phóng Điện Biên, người dân trong bản dần có cuộc sống ổn định, đã dựng những căn nhà sàn chắc chắn hơn, mái được lợp ngói, thưng ván gỗ, ngôi nhà sàn thường có 3 đến 5 gian, gia đình có điều kiện thì làm nhà 7 gian. Điều ấn tượng chính là nhà sàn ở đây được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo như hình bông hoa, sừng trâu, răng cưa... ở xà nhà, lan can cầu thang và trên cả cửa sổ.

Anh Lò Văn Chính, Bản Che Căn, xã Mường Phăng- huyện Điện Biên cho biết: Nhà sàn truyền thống từ cha ông để lại, để chống thú dữ; ngày trước khu rừng này nhiều thú dữ, đồng thời giữ nét phong tục của người thái. Sàn trên mình ăn ngủ, gầm sàn để thóc gạo, để vật liệu sản xuất nông nghiệp, nó rất tiện trong sinh hoạt. Phong tục cha ông truyền lại từ thế hệ này sang thế khác thì vẫn phải gìn giữ nét phong tục của người Thái

1
Những ngôi nhà sàn ở bản Che Căn vẫn giữ được thiết kế truyền thống là có hai cầu thang lên xuống nằm ở đầu nhà và cuối nhà.

Với quan niệm "Nhà có gác, sàn có cột", do đó nhà sàn của người Thái đều dựng bằng gỗ từ cột, xà đến ván, thưng… đã mang đến một nét đẹp riêng biệt và độc đáo. Kiểu kiến trúc này có vẻ đơn sơ nhưng lại rất chắc chắn, nó đủ lực để chống nắng, mưa, gió, bão và nhất là động đất.

Đặc biệt những ngôi nhà sàn ở bản Che Căn vẫn giữ được thiết kế truyền thống là có hai cầu thang lên xuống nằm ở đầu nhà và cuối nhà. Theo quan niệm, cầu thang ở đầu nhà thường dành cho nam giới, những người cao tuổi đi lại; còn cầu thang cuối nhà là dành riêng cho phụ nữ, phục vụ việc nấu nướng, bếp núc.

Hiện trong bản Che Căn còn rất nhiều ngôi nhà sàn cổ tồn tại tới hàng trăm năm, trụ nhà được làm bằng gỗ quý, nên qua thời gian dài, gỗ vẫn rất bền và không bị mối mọt.  
Anh Lường Văn Phương, Bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên cho biết: Theo cha ông để lại, gìn giữ phong tục nhà truyền thống của người  thái như đây thì chúng tôi vận động bà con hạn chế sử dụng và xây dựng bê tông cốt thép, làm sao để sạch bản sạch làng để lưu giữ nét truyền thống văn hóa của dân tộc thái

Những ngôi nhà sàn bình dị nằm quần tụ ven suối, tất cả đã tạo nên khung cảnh sơn cước đặc trưng của dân tộc Thái ở Che Căn nói riêng và ở Điện Biên nói chung. Dù cuộc sống có thay đổi thì đồng bào Thái nơi đây vẫn đang giữ gìn lối sống sinh hoạt quây quần, ấm cúng bên ngôi nhà sàn truyền thống đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc./.
      

 

Như Quỳnh- Văn Hùng/DIENBIENTV.VN

.