Phòng chống bệnh dại - Trách nhiệm từ hộ gia đình

Thứ Sáu, 13/09/2019, 15:11 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo thống kê, từ năm 2010 đến tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra 45 trường hợp người mắc và tử vong do bệnh dại, xuất hiện ở cả 10/10 huyện, thị, thành phố

Năm 1993, trên địa bàn tỉnh Điện Biên ca bệnh dại đầu tiên xuất hiện tại huyện Mường Ảng, sau 17 năm, đến tháng 5/2010, bệnh dại tái xuất hiện tại thị xã Mường Lay và lây lan ra các địa phương khác trong tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 45 ca tử vong do dại ở 10/10 huyện, thị, thành phố.

1
Tăng cường công tác tuyên đến đến người dân hiểu đúng về nguy cơ và sự nguy hiểm của bệnh dại. Ảnh Tiêm phòng dại cho chó nuôi tại hộ gia đình

Nguyên nhân các trường hợp tử vong đều do chó dại cắn và truyền bệnh sang người. Sau khi bị cắn người bệnh chủ quan, không đi tiêm phòng bệnh dẫn đến tử vong. Các ca tử vong do bệnh dại ghi nhận chủ yếu 5 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh và nạn nhân tử vong do dại ở dân tộc thiểu số là rất cao chiếm tỷ lệ trên 70%.

Các ca tử vong do dại xuất hiện ở tất cả các nhóm tuổi. Trong tổng số 45 ca, nhóm tuổi có tỷ lệ cao nhất là từ 5 - 24 tuổi là 22 ca, chiếm 48,8%, tiếp theo là nhóm 40 - 59 tuổi với 10 ca tử vong chiếm 22,2%, nhóm 25 – 39 tuổi với 8 ca tử vong chiếm 17,8%; Các nhóm tuổi khác chiếm tỷ lệ thấp, không có sự chênh lệch lớn.

Bệnh dại do virus dại Rhabdovirus gây nên, thường lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn. Sau khi vào cơ thể, virus dại sẽ xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ, khi vào tới não bộ, người bị nhiễm bệnh mới có những hành vi và biểu hiện lâm sàng rõ ràng là người bệnh sợ gió, sợ nước...và hầu như 100% các trường hợp lên cơn dại đều tử vong, không còn cách gì cứu chữa.

Theo thống kê thì có đến 99% phơi nhiễm trên người do chó nghi dại cắn; 1% do mèo; các loại động vật khác hoặc do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào. Chính vì vậy những năm gần đây công tác tiêm phòng vắc xin dại đã được người dân quan tâm do tình hình phức tạp, nguy hiểm của bệnh dại trên người.

Năm 2011 có số người tử vong do bệnh dại cao nhất là 17 người, sau đó giảm dần, mỗi năm trung bình từ 5 đến 6 người tử vong, trong 3 năm (2017-2019) có 6 người tử vong do bệnh dại. Do làm tốt công tác tuyên truyền và ý thức của người dân trong việc nuôi chó mèo, khi bị có mèo cắn đã chủ động tiêm phòng dại nên số người tử vong do bệnh dại có xu hướng giảm dần. Trong 8 tháng năm 2019 trên địa bàn tỉnh Điện biên chỉ có 01 hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Nậm Pồ, nguyên tử vong do lây bệnh khi giết mổ chó mắc bệnh.

Việc mở rộng các điểm tiêm phòng tại các huyện, các phòng khám đa khoa khu vực đã tạo điều kiện tốt cho người dân khi đến tiêm phòng. Năm 2010, toàn tỉnh từ 3 điểm tiêm tại 3 huyện, năm 2014 có 26 điểm tiêm tại 10 huyện. Từ năm 2018 do điều kiện đi lại thuận lợi số điểm tiêm trên địa bàn toàn tỉnh giảm còn 16 điểm tiêm.

1
Chó nuôi thả rông luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về tai nạn và là nguồn lây nhiễm bệnh dại trực tiếp sang người

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Ngành Y tế tỉnh Điện Biên đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết nghi bệnh dại để nhân dân không hoang mang, chủ quan và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh dại trên người và chỉ đạo các đơn vị liên quan trong toàn ngành triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh dại trên người. Rà soát, xem xét điểm tiêm vắc xin dại, đảm bảo cung ứng vắc xin phòng dại để tiêm cho người dân khi có nhu cầu. Giám sát tất cả các trường hợp người bị nhiễm vi rút bệnh dại đến khám và điều trị tại điểm tiêm vắc xin, thống kê theo dõi đầy đủ các thông tin về tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình cung ứng vắc xin phòng dại trên địa bàn toàn tỉnh đang gặp  những khó khăn. Nhiều trường hợp phơi nhiễm nhưng thiếu vắc xin tiêm phòng. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì kinh phí đầu tư còn hạn chế hiện mới đủ kinh phí mua vắc xin tiêm miễn phí cho người nghèo; chưa đủ kinh phí tiêm vắc xin miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách...

Bên cạnh đó kiến thức về nguy cơ và cách phòng chống bệnh dại của người dân ở nhiều nơi còn thấp. Nguyên nhân có thể là các hoạt động truyền thông chưa thường xuyên, thông điệp truyền thông bệnh dại, kênh truyền thông cũng như hình thức truyền thông chưa thực sự phù hợp và chưa nhằm đúng đối tượng đích. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, do đó phụ thuộc rất nhiều công tác phòng chống bệnh dịch trên động vật....

Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc, là "thú cưng" đối với rất nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng dịch và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành ‘thú dữ", gây hại cho sức khỏe của người nuôi.

Chính vì vậy cần tăng cường công tác tuyên đến đến người dân hiểu đúng về nguy cơ và sự nguy hiểm của bệnh dại mà nguồn lây bệnh chính từ những động vật "thú cưng" nuôi trong gia đình mình, từ đó người dân biết về cách phòng tránh bệnh dại, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, cho bản thân, gia đình và cộng đồng, để không còn những cái chết thương tâm vì bệnh dại, từng bước khống chế và thanh toán bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

 

 

Hương Trà/DIENBIENTV.VN

.