Huyện Điện Biên: Khởi sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
Mô hình trồng rau an toàn bằng phân bón sinh học hữu cơ được thực nghiệm tại gia đình anh Ngô Văn Bính (Đội 15, Xã Thanh Hưng – Huyện Điện Biên) |
Xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã trên địa bàn đã tập trung triển khai, lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy trình. Trước hết, toàn huyện đã sớm kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và tổ chuyên viên giúp việc, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể gắn kiểm tra, hướng dẫn giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đối với cấp xã, Đảng ủy các xã có nghị quyết chuyên đề để thực hiện, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền trên nhiều hình thức như hệ thống truyền thanh, hội nghị, họp dân, panô, áp phích. Các ngành đoàn thể đã lồng ghép với nhiều họat động để truyền tải nội dung xây dựng nông thôn mới tới người dân. Thông qua đó người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng nông thôn mới là đem lại lợi ích cho ai và để làm gì. Từ đó mọi người đều có ý thức tham gia thực hiện.
Chuyển biến sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Điện Biên đã có sự đổi thay rõ nét, người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ công như y tế, giáo dục…, môi trường ngày càng được cải thiện. Đặc biệt đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên tặng hoa chúc mừng Xã Noong Luống, huyện Điện Biên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. |
Đến nay huyện Điện Biên đã có 13/25 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí đạt bình quân gần 14 tiêu chí/ xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, huyện đạt 8/15 chỉ tiêu của bộ tiêu chí huyện nông thôn mới.
Huyện Điện Biên bình quân thu nhập đầu người đạt gần 20 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16% |
Trong quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; trong 10 năm qua nhân dân đã đóng góp 112 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt, ngày công và vật liệu xây dựng, đồng thời hiến gần 60 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn.
Bình quân thu nhập đầu người đạt gần 20 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16%. Đến năm 2020, huyện Điện Biên phấn đấu có thêm 5 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên; tiếp tục xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới
Triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, huyện Điện Biên còn nhiều hạn chế: Lao động nông nghiệp trên địa bàn chiếm tỷ lệ cao, thu nhập của các hộ dân vùng nông thôn thấp, địa bàn rộng; đường giao thông liên xã, trục xã chưa được “cứng hóa”, đường liên thôn bản dài, ruộng đất manh mún nhỏ lẻ...
Việc huy động đóng góp của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do nhân dân vùng nông thôn có thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế nên việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu; thiếu mặt bằng đất để xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn bản đạt chuẩn theo quy định. Một số xã không có nhu cầu xây dựng chợ, một số xã có chợ xong không đủ diện tích, số gian hàng theo quy định (do số lượng hộ kinh doanh của các xã miền núi ít, đất chủ yếu là đồi núi dốc mặt bằng không đủ để làm chợ);
Một số chương trình, dự án giao cho xã làm chủ đầu tư triển khai còn chậm và lúng túng do không có cán bộ chuyên môn và năng lực còn hạn chế.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, huyện Điện Biên sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng hoàn thiện, nâng chất hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như đường giao thông, hệ thống thủy lợi…Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, tăng cường thu hút các doanh nghiệp nhằm tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương./.