Điện Biên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Năm, 03/11/2022, 15:09 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tàu để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho toàn tỉnh. Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Điện Biên đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, xây dựng tỉnh Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025.

Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ - một trong những điểm nhấn chính thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đến với Điện Biên. Trong năm 2022, Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo và đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình quan trọng như: Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, Bức tranh Panorama tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo dấu ấn đặc sắc trong lòng du khách khi ghé thăm.

1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/2022.
1

Để phát triển du lịch lịch sử xứng đáng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác phục vụ, nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung trưng bày các hiện vật, tài liệu lịch sử liên quan đến chiến dịch. Đồng thời, khai thác có hiệu quả giá trị bức tranh Panorama vừa mới được đầu tư để trở thành điểm nhấn quan trọng trong hành trình tìm về lịch sử, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đón gần 220 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước, tăng gấp 10 lần so với cả năm 2021. Con số ấn tượng này đã phần nào khẳng định Điện Biên đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong hành trình tìm hiểu lịch sử.

Ngoài lợi thế về du lịch lịch sử, Điện Biên còn được biết đến là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc và có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nhiều danh thắng, hang động đẹp như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, cao nguyên đá Tả Phìn, Tủa Chùa hay các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như: Khoáng nóng U Va, khoáng nóng Hua Pe, Khu du lịch sinh thái Him Lam. Trong đó, các điểm du lịch nghỉ dưỡng đang ngày càng được đông đảo du khách ưa chuộng.

Xác định du lịch nghỉ dưỡng là 1 trong 3 trụ cột chính để phát triển du lịch tại Điện Biên, các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã ngày càng được đầu tư, mở rộng các dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ. Tại Khu du lịch khoáng nóng Uva, để đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các dịch vụ của du khách, đơn vị đã chủ động cải tạo cảnh quan, nâng cấp các dịch vụ tắm nóng, nghỉ dưỡng, ăn uống theo hướng chuyên nghiệp hiện đại. Chỉ sau 3 tháng tái hoạt động, khoáng nóng Uva đã thu hút 15 nghìn lượt du khách trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng và tạo được dấu ấn riêng về loại hình du lịch mới mẻ này.

1
Đồi A1 những ngày tháng 5 lịch sử.

Để cụ thể hoá Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 3 nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đề ra gồm: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung xây dựng các quy hoạch, đề án; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch về giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm, tôn tạo các di tích lịch sử và phát triển sản phẩm du lịch lịch sử, tâm linh và phát triển du lịch văn hóa, sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Để tổ chức thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án tổng thể, chi tiết phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để tập trung mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội và các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển du lịch.

Với định hướng lớn trong phát triển du lịch của tỉnh dựa trên đầu tư về phát triển hạ tầng thông qua việc mời gọi các nhà đầu tư để thực hiện các dự án, công trình tạo ra các sản phẩm du lịch. Đặc biệt là việc trùng tu tôn tạo, nâng cấp các công trình thuộc hệ thống di tích lịch sử quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ. Cùng với đó, đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với lợi thế của tỉnh về lịch sử, về văn hóa”.

Dù là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch song điểm nghẽn lớn về hạ tầng giao thông đã khiến những tiềm năng này chưa được khai thác đúng giá trị. Tháo gỡ điểm nghẽn kết nối giao thông, tỉnh đang thực hiện đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên tạo đột phá lớn kết nối giao thông với các địa phương trong cả nước và quốc tế. Cùng với đó, hệ thống đường quốc lộ và đường cao tốc đang được xúc tiến nghiên cứu thực hiện trong tương lai. Đặc biệt, theo Đề án tỉnh đang tiếp tục xây dựng để trình HĐND tỉnh chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng với mục tiêu phát triển bản sắc văn hóa của 19 dân tộc tạo điểm nhấn trong lòng du khách.

Trên cơ sở các nhóm giải pháp trọng tâm cần phải thực hiện, Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đề ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, bao gồm: Nâng tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; số ngày lưu trú trung bình của du khách từ 3 ngày trở lên; tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 15%/năm.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và giúp Điện Biên trở thành Trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Phía Bắc vào năm 2025 cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả./.

 

 

Hoàng Út - Văn Hùng/DIENBIENTV.VN

 

.