Đàn tính tẩu - Hồn dân ca dân vũ dân tộc Thái

Thứ Tư, 20/10/2021, 16:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tính tẩu là loại nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái nói chung, người Thái trắng ở huyện Mường Chà nói riêng. Đàn được dùng trong đời sống tâm linh, trong lễ hội, hát xướng, giao duyên, kết bạn. Cây đàn tính tẩu trong âm nhạc của người Thái giữ vị trí và vai trò quan trọng.

Để làm hoàn chỉnh một cây đàn tính tẩu, phải trải qua những công đoạn cơ bản từ các bộ phận chính là thân đàn, bầu đàn, dây đàn rồi đến các chi tiết nhỏ làm đẹp như trang trí họa tiết hoa văn cho cây đàn trước khi sử dụng.

Những vật liệu làm nên chiếc đàn tính đều đơn giản, dễ kiếm bởi đó là những thứ quanh năm gắn bó với cuộc sống của đồng bào. Đầu tiên là làm thân đàn, công đoạn này đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ và cẩn thận. Thân đàn làm từ gỗ của cây hoa sữa rừng lâu năm và được làm hoàn toàn bằng thủ công, đẽo, gọt công phu với chiều dài khoảng 1m, tùy theo sải tay của người sử dụng.

Bầu đàn còn gọi là bầu vang làm bằng nửa quả bầu khô; dây đàn thì làm bằng tơ xe. Theo kinh nghiệm ông cha truyền lại, công thức cho tỷ lệ bầu đàn và thân đàn là sẽ theo kích cỡ nắm tay của người thợ làm đàn đó; chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài thân đàn là chín nắm tay. Phía trên thân đàn thường có hình cong tựa như đầu rồng hay đuôi gà để gắn các nút chỉnh sức căng cho dây đàn.

Công đoạn tiếp theo là làm nắp đàn, nắp đàn làm bằng chất liệu gỗ nhẹ, mềm, dày khoảng 3mm để tạo tiếng vang, sau đó gắn vào mặt cắt của bầu đàn, được người nghệ nhân định hình, tạo mặt phẳng gắn vào mặt đàn và đục từ 4 đến 5 lỗ chính ở mặt sau quả bầu để tạo âm vang cho đàn.

1
Tính tẩu là loại nhạc cụ gắn bó lâu đời trong đời sống sinh hoạt của người Thái.

Cuối cùng là phần dây đàn. Đàn tính tẩu truyền thống thường có 3 dây. Ngày xưa, các loại chất liệu làm dây đàn chưa đa dạng, người ta lựa chọn dây đàn bằng tơ được se lại; ngày nay người nghệ nhân làm đàn có thể thay bằng các loại dây chất liệu khác như dây cước, tất cả các dây phải chỉnh có độ căng hợp lý và còn tùy chỉnh cho phù hợp với khi hát các điệu Then khác nhau. 

Từ lâu, cây đàn tính đã gắn bó không thể tách dời trong sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, là linh hồn, cái đẹp, cái quý giá nhất của người Thái trắng. Theo cách đánh đàn từ xưa, người diễn gẩy bằng ngón trỏ của tay phải, ngón cái giữ cần đàn hơi sát bầu đàn, ngón trỏ gẩy xuống, hất lên luân phiên khi chơi những giai điệu nhanh; còn với giai điệu chậm, ngón trỏ chỉ gẩy xuống là chính.

Qua thời gian, cây đàn tính tẩu đã phát triển lên tầm cao qua các thời kì phát triển lịch sử, xã hội của người Thái. Những người nông dân lao động đã cùng nhau sáng tạo ra các làn điệu dân ca, dân vũ sử dụng đàn tính làm nhạc cụ. Các điệu múa nổi tiếng của người Thái như: múa nón, múa quạt, múa khăn,… đều do cây đàn tính tẩu đệm. Và các giai điệu dân ca Thái cũng có bản nhạc riêng cho từng giai điệu.

Cây tính tẩu đã thực sự thành nhạc cụ truyền thống của người Thái, được người Thái sử dụng để đệm cho múa, cho hát, cho các ngày hội của bản mường, như lễ hội Kin Pang Then, lễ hội Xên bản, Xên mường, các dịp múa hát tập thể, Tết Nguyên đán, đám cưới, mừng nhà mới,… tất cả đã được bảo tồn và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác qua các thời kỳ phát triển lịch sử xã hội của người Thái.

 

 

Tuấn Trung - Văn Hùng/DIENBIENTV.VN

.