Canada, Nhật Bản công bố biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine
Canada và Nhật Bản đã công bố những biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan tới các động thái của Nga ở Ukraine.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: AP) |
Ngày 22/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố gói trừng phạt kinh tế đầu tiên đối với Nga một ngày sau khi Moscow công nhận nên độc lập của các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk ở Ukraine.
Mỹ, Liên minh châu Âu, Đức và Anh cũng đã công bố các cách thức họ sẽ trừng phạt Nga về mặt tài chính trong bối cảnh lo ngại về việc Nga tấn công Ukraine sắp xảy ra, một động thái mà Moscow đã liên tục phủ nhận trong nhiều tháng nay.
Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donetsk và Luhansk đã tách khỏi sự kiểm soát của Chính phủ Ukraine vào năm 2014 và tự xưng là "các nước cộng hòa nhân dân" độc lập.
Thủ tướng Trudeau cho biết, Chính phủ Canada sẽ cấm người dân nước này tham gia tất cả các giao dịch tài chính với cái gọi là "các quốc gia độc lập" Luhansk và Donetsk.
Chính phủ Canada sẽ trừng phạt các thành viên Quốc hội Nga, những người đã bỏ phiếu cho quyết định công nhận Donetsk và Luhansk là độc lập, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với hai ngân hàng Nga do Chính phủ nước này hậu thuẫn và ngăn chặn bất kỳ giao dịch tài chính nào với các ngân hàng này.
Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố, Nhật Bản đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, vào ngày 23/2, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga về các hành động của họ ở Ukraine, đồng thời coi các động thái của Moscow là vi phạm không thể chấp nhận được đối với chủ quyền của Ukraine và luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, nhiều quốc gia phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với một số cá nhân, ngân hàng Nga sau khi Moscow điều quân vào các khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản gồm cấm phát hành trái phiếu của Nga tại Nhật Bản và đóng băng tài sản của một số cá nhân Nga cũng như hạn chế đi lại tại Nhật Bản.
Ông Fumio Kishida nói: "Hành động của Nga gây tổn hại rất rõ ràng đến chủ quyền của Ukraine và đi ngược lại luật pháp quốc tế. Chúng tôi một lần nữa chỉ trích những động thái này và mạnh mẽ thúc giục Nga quay trở lại các cuộc thảo luận ngoại giao. Tình hình vẫn khá căng thẳng và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ".
Ông nói thêm, thông tin chi tiết về các biện pháp trừng phạt sẽ được đưa ra và công bố trong những ngày tới.
Theo Thủ tướng Kishida, Nhật Bản có đủ trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), do đó sẽ không có tác động đáng kể đến nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn ở nước này. Nếu giá dầu tăng hơn nữa, chính quyền Nhật Bản sẽ xem xét tất cả các biện pháp có thể để hạn chế mức độ ảnh hưởng đến các công ty và hộ gia đình.
Nhật Bản sẽ giữ mối liên hệ chặt chẽ với các quốc gia G7 khác và cộng đồng quốc tế.
"Nếu tình hình xấu đi, chúng tôi sẽ nhanh chóng tiến hành các hành động tiếp theo", ông Kishida
Lập trường cứng rắn của Nhật Bản trái ngược với cách tiếp cận ngoại giao mềm mỏng hơn đối với Moscow của các Chính phủ Nhật Bản trong quá khứ - nỗ lực đảm bảo trả lại các đảo bị quân Nga chiếm đóng vào cuối Thế chiến II.
Mối quan hệ của Nhật Bản với Moscow đã được định hình bằng việc nước này phụ thuộc vào Nga về nhu cầu năng lượng. Năm 2021, Nga cung cấp hơn 12% lượng than nhiệt cho Nhật Bản và gần 1/10 trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nước này.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/canada-nhat-ban-cong-bo-bien-phap-trung-phat-doi-voi-nga-lien-quan-den-khung-hoang-ukraine-2022022312053718.htm
Theo VTV