Mỹ và chính sách đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Sáu, 19/03/2021, 07:08 [GMT+7]

 

1
Hàn Quốc và Nhật Bản từ lâu là đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á

Nhiều cuộc trưng cầu ý kiến mới đây cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ Tổng thống Joe Biden trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Liệu chính sách ấy có thành công?

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức tuyên bố hồi tháng trước rằng nước Mỹ "đã trở lại", ông tin rằng chính phủ mới sẽ hồi sinh vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ mà người tiền nhiệm của ông đã giảm bớt đáng kể.

Theo tạp chí Newsweek, hầu hết những người Mỹ được hỏi ủng hộ cam kết của Tổng thống Biden đối với các đồng minh lâu năm của Mỹ và cách tiếp cận ngoại giao đa phương mà chính quyền của ông Donald Trump trước đây đã từ bỏ với lý do tập trung giải quyết những vấn đề nội bộ của nước Mỹ.

Chiến dịch lôi kéo đồng minh của Mỹ ở châu Á

1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản tại thủ đô Tokyo hôm 16/3 (Ảnh: Nippon.com)

Ngày 16/3, cả Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đều đã đến Nhật Bản, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á sau khi Mỹ có chính quyền mới. Trước chuyến thăm, cả hai đều có những phát biểu nhằm vào Trung Quốc.

Ngày 14/3, ông Lloyd Austin đến thăm trụ sở Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ ở Honolulu, Hawaii, và tuyên bố Trung Quốc là mối đe dọa chính và muốn tạo ra một sự răn đe đáng tin cậy nhằm vào Trung Quốc. Ngày 15/3, ông và ông Antony Blinken cùng đăng bài viết trên tờ Bưu điện Washington, tuyên bố muốn xây dựng và củng cố lại liên minh để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Tại trụ sở Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hawaii, ông Austin tuyên bố: "Trọng tâm của chuyến thăm lần này không những là củng cố quan hệ với các đồng minh, mà còn tăng cường khả năng quân sự. Mục đích của chúng tôi là phải đảm bảo rằng Mỹ có khả năng và kế hoạch hành động để tạo thành sự răn đe đáng tin cậy đối với Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác muốn thách thức Mỹ".

Trong bài viết trên tờ Bưu điện Washington, cả hai ông Blinken và ông Austin đều cho rằng "đồng minh là yếu tố tăng thêm sức mạnh cho quân đội Mỹ". Bài viết cũng cho biết lý do họ chọn châu Á làm điểm đến đầu tiên là bởi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm của địa chính trị toàn cầu. Khu vực này có dân số hàng tỷ người, một số nước lớn đã hoặc đang trỗi dậy và 5 đồng minh hiệp ước. Ngoài ra, phần lớn thương mại trên thế giới đều phải đi qua các tuyến đường trên biển ở đây.

Đáp lại, giới truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc một mặt đề cập nhiều đến quan hệ đồng minh, nhưng mặt khác cũng thận trọng tránh trực tiếp nhằm vào Trung Quốc. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, một đồng minh khác của Mỹ ở châu Á, gần đây tuyên bố rằng Singapore không thể chọn bên nếu Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột.

Ngày 15/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong thời đại toàn cầu hóa, việc lấy ý thức hệ để phân chia ranh giới, lôi kéo đồng minh và xây dựng các nhóm nhỏ cục bộ nhằm đối phó với một quốc gia cụ thể, mới là sự phá hoại đối với trật tự quốc tế. Hành động này sẽ không nhận được sự ủng hộ.

Chiều 16/3, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã có cuộc đối thoại với Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở thủ đô Tokyo. Tối cùng ngày, ông Blinken và ông Austin đến dinh thự của Thủ tướng để hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Blinken và ông Austin cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của họ, sau khi nhậm chức. Sau khi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Austin đến thăm Ấn Độ, trong khi ông Blinken cùng với Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Jake Sullivan tham dự đối thoại cấp cao Trung-Mỹ tại Anchorage, bang Alaska vào ngày 18/3.

Chuyến thăm châu Á lần này được coi là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Chính quyền Biden nhằm gia tăng ảnh hưởng của Mỹ và trấn an về vai trò của Mỹ ở châu Á. Khi mới lên cầm quyền, tổng thống Mỹ Joe Biden phát đi tín hiệu ông sẽ đặt Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Mỹ. Để duy trì sự thống nhất với chủ đề ngoại giao "Nước Mỹ đã trở lại", ông Biden cam kết sẽ coi việc bảo vệ sự ổn định của khu vực này là trọng tâm trong các sáng kiến hành động quốc tế của mình.

Nhật Bản và Hàn Quốc vừa mừng, vừa lo

1
Nhật Bản - Hàn Quốc là hai đồng minh của Mỹ, nhưng cũng không ít lần có ý kiến trái ngược (Ảnh: NHK)

Trên thực tế, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những phản ứng lẫn lộn về chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Một mặt, các phương tiện truyền thông của Nhật Bản và Hàn Quốc ca ngợi việc các quan chức cấp cao của Mỹ đã chọn Nhật Bản và Hàn Quốc làm điểm đến đầu tiên. Nhưng mặt khác, tờ Nihon Keizai cho rằng việc Mỹ coi trọng Nhật Bản khiến quốc gia này nên lo nhiều hơn. Nếu chỉ là vì coi trọng Nhật Bản, thì các quan chức cấp cao của Mỹ sẽ không vội vàng lôi kéo nước này. Lý do khiến Chính quyền tổng thống Biden vội vàng như vậy được đồn đoán là đã nhận được các thông tin tình báo bí mật và có cảm giác lo lắng về mối quan hệ đồng minh này. Về mặt quân sự, mặc dù sức mạnh quân sự tổng thể của Mỹ vượt Trung Quốc, nhưng nếu hai nước xảy ra xung đột ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, liệu ưu thế quân sự của Mỹ có bị lung lay trước Trung Quốc? Câu trả lời là "có", vì sẽ mất rất nhiều thời gian nước này mới có thể tập trung sức mạnh chiến đấu trên toàn thế giới đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

So với tâm lý hỗn loạn của Nhật Bản, Hàn Quốc còn lo lắng hơn. Tờ Thời báo Hàn Quốc ngày 15/3 cho rằng khi Mỹ càng khuyến khích các nước khác tham gia nhóm Bộ tứ nhằm kiềm chế Trung Quốc, thì Hàn Quốc phải chịu áp lực ngày càng lớn. Theo hãng thông tấn Yonhap, mặc dù mục đích của việc Mỹ cố gắng tập hợp liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn là để kiềm chế Trung Quốc, nhưng đa số ý kiến trong quân đội Hàn Quốc lại cho rằng nếu xét đến tâm lý của người dân hiện nay, thì trong thời gian ngắn Hàn Quốc rất khó có thể chấp nhận yêu cầu của Mỹ về cơ chế tập trận chung Mỹ-Nhật–Hàn.

Nhiều nước châu Á không mong muốn phải "chọn bên"

Tờ New York Times ngày 14/3 cho rằng chương trình nghị sự đối ngoại của tổng thống Mỹ Biden có hai mục tiêu.

Thứ nhất, tái thiết quan hệ đồng minh đang gặp nhiều trắc trở và thứ hai là thiết lập một mặt trận thống nhất nhằm vào Trung Quốc, nhưng không dễ để thực hiện được hai mục tiêu này.

Tờ Wall Street Journal nhận định khi tìm cách phối hợp chiến lược nhằm vào Trung Quốc, các quốc gia mà Mỹ đang cố gắng lôi kéo đều không đạt được nhất trí về lợi ích với Mỹ. Một số quan chức Mỹ cho rằng kế hoạch của Chính quyền Biden nhằm lôi kéo các đồng minh để chống lại Trung Quốc đang phải đối mặt với thử thách, đặc biệt là chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đáp trả đối với các hành động của một số đồng minh nhằm thách thức họ.

Nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương lo ngại rằng "thuyết mối đe dọa đến từ Trung Quốc" mà Mỹ tạo ra có thể khiến toàn bộ khu vực gặp rủi ro. Thủ tướng Singapore nhận định rằng mặc dù các nước châu Á hy vọng hợp tác với Mỹ, nhưng không nhiều nước sẵn sàng tham gia một liên minh để bài xích các nước khác.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/my-va-chinh-sach-dong-minh-o-chau-a-thai-binh-duong-20210318192150431.htm

 

 

Theo VTV

 

.