Dư luận thế giới nói gì về vụ Triều Tiên phóng vật thể bay?

Thứ Sáu, 26/03/2021, 08:15 [GMT+7]

Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã thể hiện lo ngại với vụ phóng vật thể bay được cho là tên lửa đạn đạo, từ bờ biển phía Đông của Triều Tiên.

Theo thông tin từ Chính phủ Nhật Bản, hai tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng vào khoảng 7h ngày 25/3 đã rơi xuống khu vực ngoài lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Nếu đúng như vậy, đây là vụ phóng thứ hai của Triều Tiên trong vòng một tuần, sau khi Bình Nhưỡng phóng các tên lửa hành trình tầm ngắn ra Hoàng Hải cuối tuần qua.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về các biện pháp ứng phó cũng như phân tích hành động này của Triều Tiên. Ông nói: "Hành động này gây phương hại đến an ninh khu vực và vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phóng vật thể chưa xác định ra biển Nhật Bản, mà Hàn Quốc gọi là Biển Đông. Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia sau sự việc.

Hội đàm trong chuyến thăm Seoul của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, ông Lavrov và người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong cùng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. "Hàn Quốc lo ngại sâu sắc về vụ phóng tên lửa vừa rồi của Triều Tiên".

Ông Sergey Lavrov - Bộ trưởng Ngoại giao Nga thì cho rằng: "Nga đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định tại Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa tất cả các hoạt động leo thang quân sự đều không nên xảy ra".

1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế.

Được hỏi về phản ứng của Trung Quốc về vụ việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế. "Giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc luôn kêu gọi các bên tìm kiếm sự chia sẻ về mặt quan điểm và phối hợp thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo. Cần thêm nhiều nỗ lực vì một sự ổn định lâu dài của bán đảo Triều Tiên và cả khu vực".

Mỹ sẽ theo dõi tình hình và tham khảo ý kiến của các đồng minh

Trong một tuyên bố ngày 25/3, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ cho biết, vụ thử tên lửa tiếp tục khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế thêm lo ngại về chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Vụ Triều Tiên phóng vật thể bay mà phía Nhật Bản và Hàn Quốc cho là tên lửa đạn đạo diễn ra vào thời điểm có nhiều điều đáng chú ý. Khu vực Đông Bắc Á thời gian qua sôi động các hoạt động ngoại giao, với các cam kết, tuyên bố củng cố quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các đồng minh tại khu vực. Hai vụ việc trong vòng 1 tuần cũng là những động thái đáng chú ý đầu tiên của Triều Tiên từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nắm quyền và xảy ra trong bối cảnh Mỹ nhiều khả năng sẽ cố gắng hoàn tất quá trình đánh giá chính sách về Triều Tiên trong những tuần tới.

Triều Tiên đang phô diễn sức mạnh quân sự?

Theo các nhà phân tích, việc phóng tên lửa đạn đạo "là một quân bài" đã được Triều Tiên sử dụng nhiều lần nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế cũng như phô diễn sức mạnh quân sự.

1
Ảnh chụp từ trang chủ của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho thấy vụ phóng một vũ khí chiến thuật mới phát triển tại một địa điểm không xác định ở Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Lần này cũng không khác, thông qua việc phóng liên tiếp các tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngay sau chuyến công du của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Đông Á, Triều Tiên có thể muốn gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi nước này đang trong quá trình xây dựng chính sách ngoại giao và liên kết đồng minh nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trái ngược với người tiền nhiệm Donald Trump, có thể thấy Triều Tiên không nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của ông Joe Biden khi ông vẫn đang tập trung vào xử lý dịch COVID-19, xây dựng lại hình ảnh nước Mỹ và đối phó với Trung Quốc.

Hiện nay, đáp lại những đề xuất đối thoại của Mỹ, Triều Tiên vẫn giữ thái độ im lặng. Một vài nhà quan sát Nhật Bản cho rằng, Triều Tiên có thể muốn tìm hiểu kỹ quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden trước khi nhận lời đàm phán, đồng thời thăm dò mức độ cứng rắn trong chính sách ngoại giao của chính quyền mới của Mỹ.

Triều Tiên đã áp dụng một chiến thuật quen thuộc là phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển quốc tế, vừa để phô diễn sức mạnh quân sự, vừa hạn chế khả năng bị trừng phạt thêm về kinh tế. Nhiều khả năng trong thời gian tới, Triều Tiên sẽ tiến hành thêm các đợt phóng thử tên lửa nhằm gia tăng ưu thế trên bàn đàm phán ngoại giao với chính quyền mới của Mỹ.

Sang tuần tới, dự kiến một cuộc họp an ninh giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được tổ chức để thảo luận hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho tới nay vẫn khẳng định, sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán, trừ khi Washington từ bỏ chính sách thù địch của mình.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/du-luan-the-gioi-noi-gi-ve-vu-trieu-tien-phong-vat-the-bay-20210325223534273.htm

 

 

Theo VTV

 

.