TP Điện Biên Phủ triển khai trồng mắc ca công nghệ cao

Thứ Tư, 22/06/2022, 15:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Triển khai trồng mắc ca hiện đang là nhiệm vụ được tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện tại các diện tích đã được quy hoạch. Do đó, các huyện trong tỉnh và TP Điện Biên Phủ có dự án trồng mắc ca cũng đang ưu tiên các điều kiện nhằm đảm bảo kế hoạch trồng mắc ca theo yêu cầu.

Ngay sau khi có quyết định chấp thuận đầu tư trồng mắc ca công nghệ cao của UBND tỉnh, tại Quyết định 1491 ngày 19/8/2021, Công ty cổ phần Liên Việt Điện Biên - đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành từng bước để thực hiện dự án trồng mắc ca theo kế hoạch.

Theo nội dung quyết định, TP Điện Biên Phủ sẽ trồng hơn 1.000 ha mắc ca, bắt đầu thực hiện từ năm 2022. Toàn bộ diện tích đều do Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên làm chủ đầu tư và thực hiện trên cơ sở nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất 50 năm để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đất đai. Nhà đầu tư liên kết với người dân thông qua mô hình hợp tác xã để trồng mắc ca. Để bắt tay vào thực hiện dự án, đơn vị chủ đầu tư đã chủ động các điều kiện cần thiết và tiến hành từng bước.

“Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia dự án. Tiến hành đo đạc quy chủ, chuẩn bị các điều kiện tại hiện trường như đào băng, làm đường, cuốc hố, chuẩn bị cây giống và vật tư cần thiết cùng với việc thuê nhân công để thực hiện trồng cây.” - ông Hoàng Minh Nguyên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên, cho biết.

1
TP Điện Biên Phủ sẽ trồng hơn 1.000 ha mắc ca công nghệ cao bắt đầu thực hiện từ năm 2022.

Cùng với chủ đầu tư, chính quyền TP Điện Biên Phủ cũng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình trong dự án này để bắt tay vào từng phần việc. Theo đó, thành phố đã phối kết hợp với chủ đầu tư và các cơ quan liên quan để thực hiện các thủ tục cần thiết cho từng phần việc để dự án mắc ca công nghệ cao trên địa bàn được tiến hành thuận lợi, kịp tiến độ.

Theo đó, việc tuyên truyền phổ biến các thông tin liên quan đến dự án như: quy mô, giá trị cây mắc ca, các chính sách thực hiện dự án là điều không thể bỏ qua. Bởi qua đây, người dân mới có thể biết rõ được giá trị cây mắc ca ra sao, đặc tính sinh trưởng, phát triển của cây thế nào, có thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương hay không, chính sách dành cho người dân khi trồng cây mắc ca thế nào? Đồng thời so sánh hiệu quả với những loại cây họ vẫn thường trồng trên nương để có sự lựa chọn đúng đắn.

Nà Nhạn là địa phương đầu tiên ở TP Điện Biên Phủ được quy hoạch trồng cây mắc ca và toàn bộ hơn 1.000 ha mắc ca công nghệ cao ở thành phố đều được trồng ở địa phương này.  Đến nay, việc đo đạc, quy chủ đã đạt trên 300 ha, trong đó có hơn 200 ha đã được hoàn tất các thủ tục và chi trả tiền hỗ trợ công khai hoang, cải tạo đất cho người dân.

Bởi theo chính sách của tỉnh, khi bà con bàn giao đất cho nhà nước để trồng mắc ca, bà con sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng một ha và sẽ được chi trả trong một lần. Hiện tại, mọi khâu trong triển khai dự án mắc ca vẫn được tiếp tục tiến hành ở những diện tích còn lại. Đối với diện tích đã đo đạc, quy chủ, công ty cùng Hợp tác xã Mắc ca Nà Nhạn tiếp tục cho san ủi, đào hố và sẽ trồng theo đúng quy trình.

1
Cây giống mắc ca được lựa chọn kỹ càng về chất lượng, đủ về số lượng.

Một trong những điều kiện hàng đầu để thực hiện hiệu quả của dự án là việc chuẩn bị cây giống. Mặc dù giá thành cây giống cao và phải vận chuyển từ rất xa về nhưng chủ đầu tư vẫn có sự tính toán và phương án để chủ động được nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và chất lượng, không để việc bố trí nguồn cây giống ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. Do đó, ngoài việc chủ động nhập cây về, đơn vị cũng chủ động mặt bằng cho việc đặt cây trong thời gian chờ cây hồi phục, thích nghi khí hậu. Mặt khác, chủ đầu tư cũng bố trí nhân lực, phương tiện, dụng cụ để bảo vệ, chăm sóc cây giống sau khi nhập về và trước khi đem trồng.

Sau nhiều bước chuẩn bị, những cây mắc ca đầu tiên theo quy hoạch đã được xuống giống trong những ngày đầu tháng 6/2022 ở xã Nà Nhạn. Để đảm bảo việc trồng mắc ca hiệu quả, đơn vị chủ đầu tư đã chuẩn bị tỉ mỉ cho từng khâu, trong đó, việc hướng dẫn kỹ thuật trồng cũng là điều mà đơn vị không thể coi nhẹ. Việc này đã được công ty chủ động từ sớm thông qua việc tập huấn, hướng dẫn và những thành viên tham gia trong Hợp tác xã cũng là những nhân công được công ty hợp đồng để thực hiện các phần việc này. Do đó, khi có cây giống về và các điều kiện khác đã đảm bảo, bà con đã có thể trồng cây một cách thuần thục. Ngoài ra, họ cũng sẵn sàng thực hiện các phần việc khác để đảm bảo hiệu quả trong các khâu triển khai.

Yếu tố quan trọng khác để đảm bảo hiệu quả của dự án là, thực hiện sản xuất mắc ca theo chuỗi liên kết theo đúng chủ trương của tỉnh. Để việc liên kết được áp dụng hiệu quả, TP Điện Biên Phủ cũng đã xác định và thực hiện những việc làm cần thiết cho nội dung này.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ: “Để đảm bảo dự án trồng mắc ca theo chuỗi liên kết, chính quyền thành phố vận động người dân cũng như nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các chính sách mà tỉnh đang quy định. Với những nội dung thuộc thẩm quyền thành phố thì chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ đo đạc, quy chủ cấp giấy; đồng thời, rà soát đối với việc thực hiện mức lương xem có đảm bảo theo quy định hay không. Đối với hồ sơ các hộ dân đủ điều kiện để thực hiện hỗ trợ theo chính sách thì chúng tôi sẽ hỗ  trợ người dân các thủ tục để được chi trả chi phí hỗ trợ theo quy định của pháp luật.”

Với tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng, loại cây đa mục đích và có giá trị cao này được trồng ở TP Điện Biên Phủ không chỉ góp phần tạo vùng trồng mắc ca tập trung, thay thế cơ cấu, phương thức sản xuất truyền thống kém hiệu quả, mà dự án này còn là điều kiện tốt để giải quyết việc làm cho những lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

 

Lê Dung - Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN
 

.