Khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp mùa dịch

Thứ Năm, 24/03/2022, 16:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trước đây, khi đề cập đến vấn về tiêu thụ nông sản thường có hai yếu tố đó là mùa vụ và giá cả, nhưng đến nay phải thêm yếu tố thứ 3 là dịch bệnh. Bởi những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tác động không những đến phát triển sản xuất - kinh doanh của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân mà còn làm quá trình tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn.

Hợp tác xã (HTX) Ong mật Điện Biên có 2 sản phẩm đạt 4 sao trong chương trình OCOP là mật ong hoa ban và mật ong bánh tổ. Với những nỗ lực không ngừng đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phát triển thị trường, doanh thu của HTX tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ từ 5-10%/năm.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng mật ong của HTX đã giảm khoảng 5-7%. Theo đó, mật ong bánh tổ hộp 350-500g giảm còn 150 nghìn đồng/kg; mật ong mùa hoa rừng Điện Biên lọ 350g giảm giá còn gần 140 nghìn đồng/kg... Không chỉ giá thành mà lượng tiêu thụ mật ong của đơn vị cũng đã giảm khoảng 10% - 15%.

1
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá thành và cả lượng bán ra của HTX Ong mật Điện Biên đều giảm.

Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc HTX Ong mật Điện Biên, chia sẻ: “Trong đợt dịch covid-19 này việc tiêu thụ sản phẩm của HTX nói riêng và các đơn vị khác nói chung rất là khó khăn. Thứ nhất là về vấn đề vận chuyển, thứ hai là về vấn đề nhân công. Do đặc thù của chúng tôi là phải di chuyển giữa các mùa hoa, nguồn hoa để khai thác thì việc di chuyển này rất khó khăn. Và nhân công trong mùa dịch này cũng không thuê được.”

Đối với Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green - đơn vị chuyên cung cấp các loại gạo Điện Biên chất lượng cao ra thị trường, thời gian qua, tuy giá các mặt hàng gạo vẫn giữ ổn định, như gạo Tám 20 nghìn đồng/kg; gạo Séng Cù, ST 25 giá 30 nghìn đồng/kg… Nhưng theo bà Hoàng Hiên, Giám đốc Công ty chia sẻ, dưới tác động của dịch Covid-19, lượng tiêu thụ gạo của đơn vị cũng bị giảm đến 50%.

1
Khó khăn trong khâu tiêu thụ, chi phí tăng cao khiến người sản xuất càng thêm lao đao.

Không chỉ khó khăn khâu tiêu thụ, mà trong 2 năm qua chi phí sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao do giá các loại giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, chi phí vận chuyển… tăng liên tục, cộng thêm thời tiết không thuận lợi khiến cho người sản xuất càng thêm lao đao.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã và sẽ tiếp tục gây sức ép cho không chỉ trong khâu tiêu thụ mà còn nhiều khâu sản xuất khác. Bởi vậy, để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhiều giải pháp đã và đang được các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động, linh hoạt thực hiện như: đẩy mạnh hình thức bán hàng online; ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường./.

 

 

Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN
 

.