World Bank: Lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận cuối năm 2021.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá tiêu dùng tăng chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên. Giá lương thực, thực phẩm vẫn tương đổi ổn định trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do nhà nước quản lý) tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.
"Giá năng lượng tăng tiếp tục là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát CPI trong khi giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định giúp cho lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát", World Bank cho biết.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước |
Cùng quan điểm với World Bank, cách đây ít ngày, ngân hàng HSBC cũng đánh giá lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam trong năm 2022.
Theo đó HSBC đã nâng dự báo tỷ lệ lạm phát bình quân của năm 2022 lên 3% so với mức dự báo trước đây là 2,7%. Tuy nhiên ngân hàng này nhấn mạnh dự báo 3% không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ.
Hiện đang có nhiều lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao trước đà tăng mạnh của giá nhiên liệu. Trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào hôm 11/2, nhà điều hành đã tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu, cụ thể: Xăng E5RON92 tăng 976 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 962 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 962 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 958 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 666 đồng/kg.
Đây là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng được điều chỉnh tăng, và cũng là lần tăng thứ 3 trong năm 2022. Lần điều chỉnh này đã khiến giá xăng lên cao nhất trong 8 năm.
Giá bán xăng dầu ở thời điểm hiện tại: - Xăng E5RON92: không cao hơn 24.571 đồng/lít - Xăng RON95-III: không cao hơn 25.322 đồng/lít - Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 19.865 đồng/lít - Dầu hỏa: không cao hơn 18.751 đồng/lít - Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.659 đồng/kg |
Thận trọng với khu vực tài chính
Nhận định về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mới giai đoạn 2022-2023, World Bank cho biết biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất tiếp tục được sử dụng, phản ánh thành công đã đạt được kể từ đầu khủng hoảng của công cụ chính sách tài khóa này.
Bên cạnh đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8% ở hầu hết các lĩnh vực, tương đương giảm thu từ thuế VAT khoảng 0,6% GDP.
Trong khi đó, các biện pháp về chi ngân sách (2,2% GDP) chủ yếu bao gồm đầu tư công và hỗ trợ lãi suất. Đầu tư công (1,6% GDP) bao gồm đẩy nhanh các dự án giao thông đã được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và các dự án mới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội, việc làm, chuyển đổi số, du lịch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Phần lớn các hoạt đầu tư mới trên sẽ được triển khai vào năm 2023, vì vậy có thể chưa tác động nhiều đến tăng trưởng trong năm 2022", World Bank đánh giá.
Ngoài ra, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động vẫn ở mức không đáng kể và được thiết kế dưới hình thức ưu đãi nhỏ để người lao động quay lại và tiếp tục sinh sống tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, và các khu vực kinh tế trọng điểm: hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho dự kiến khoảng 4,0 triệu người lao động đủ điều kiện.
Theo World Bank, quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì |
Theo World Bank, để đảm bảo Chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ.
"Quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng đã tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ dự kiến sẽ thực hiện", World Bank khuyến nghị.
Link: https://vtv.vn/kinh-te/world-bank-lam-phat-cua-viet-nam-trong-tam-kiem-soat-20220217103532813.htm
Theo VTV