Giá vàng tiếp tục bứt phá trong năm 2022?

Thứ Hai, 03/01/2022, 15:41 [GMT+7]

Theo nhận định của một số chuyên gia, năm 2022, khi lạm phát quá cao và việc tăng lãi suất không hiệu quả, giá vàng sẽ được hưởng lợi và bước vào một đợt tăng dữ dội.

Xu hướng giá vàng thế giới năm 2022

Kết thúc năm 2021, giá vàng thế giới phục hồi lên mức 1.830,2 USD/ounce, tăng hơn 20 USD so với cuối tuần qua. Dù vậy, tính chung cả năm giá vàng thế giới vẫn không như mong đợi của giới đầu tư.

Kim loại quý đã có một số phiên đầu tuần sụt giảm, nhưng lại tăng mạnh trong phiên cuối năm 2021. Tính chung cả năm, giá vàng vẫn giảm 4%. Đây là năm giảm mạnh nhất của kim loại quý kể từ năm 2015.

1
Một số chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tăng vọt trên ngưỡng 2.000 USD trong năm 2022. (Ảnh: Getty Images)

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng vẫn còn, khi tin rằng vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ.

Cuộc khảo sát triển vọng hàng năm của Kitco News cho thấy, phần lớn các nhà đầu tư trên Phố Main dự đoán giá vàng sẽ lên mức cao vào năm 2022.

Trong gần 3.000 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến thường niên của Kitco, 54% kỳ vọng giá vàng đạt trên 2.000 USD/ounce; khoảng 20% dự đoán vàng sẽ giao dịch trong khoảng 1.900 - 2.000 USD/ounce và số còn lại cho rằng giá kim loại quý dao động dưới 1.800 USD/ounce, trong đó thậm chí có khoảng 4% số người tham gia khảo sát nhận định vàng sẽ giảm dưới 1.600 USD/ounce.

Trong khi đó, các nhà phân tích Phố Wall đưa ra những nhận định không thống nhất về giá vàng trong năm 2020. Một số chuyên gia cho rằng, dù "bóng ma" tăng lãi suất trong năm tới có thể đè nặng lên giá vàng, nhưng hiện có nhiều thông tin không mấy khả quan cho thị trường này, trong khi nhiều ngân hàng dự báo giá vàng trong năm 2022 sẽ giao dịch trong khoảng từ 1.800 - 2.000 USD/ounce.

Trên Kitco, đại diện đến từ Goehring & Associates cho rằng, những tài sản mang tính trú ẩn an toàn như vàng sẽ còn được hưởng lợi. Khi lạm phát quá cao và việc tăng lãi suất không hiệu quả, vàng sẽ bước vào một đợt tăng dữ dội. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã giúp tăng sức hấp dẫn của vàng, bởi nó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Chuyên gia Goehring & Associates dự báo vàng sẽ tăng gấp hơn 5 lần trong vòng 6 - 7 năm tới. Còn theo chuyên gia từ DailyFX, giá vàng sẽ lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce như năm 2020, khi kim loại quý này bắt kịp các tài sản khác về độ nóng sau một thời gian dài kém hấp dẫn hơn các nhiều loại hàng hóa khác.

George Milling-Stanley, Chiến lược gia trưởng về vàng tại State Street Global Advisors, dự đoán xác suất 50%, giá vàng giao dịch trong khoảng 1.800 - 2.000 USD/ounce vào năm 2022.

Cũng theo vị chuyên gia này, 30% khả năng giá vàng được đẩy lên trên mốc 2.000 USD, mức cao kỷ lục mới và 20% cơ hội vàng giao dịch trong khoảng từ 1.600 - 1.800 USD/ounce.

Bao trùm trong năm tới sẽ là vấn đề lạm phát và chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Do đó, các ngân hàng lớn đều đưa ra kịch bản giá vàng sẽ giảm mạnh về dưới mốc 1.800 USD và xuống vùng giá quanh 1.600 USD/ounce trong năm 2022.

Dù vậy, Milling-Stanley cho rằng việc tăng lãi suất sẽ không đáng sợ như tưởng tượng bởi từ năm 2015 đến 2019, FED đã tăng lãi suất 9 lần, nhưng giá vàng vẫn tăng gần 35%. Trong giai đoạn 2004 - 2005, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 17 lần và giá vàng tăng 70%.

Theo Milling-Stanley, các nhà đầu tư nên lưu ý, với lạm phát dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2022, lãi suất thực tế sẽ vẫn ở mức âm, và không có khả năng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell sẽ có lập trường quá mạnh mẽ về chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Nhìn vào lãi suất trong quá khứ và chính sách tiền tệ của FED, Milling-Stanley nói rằng vàng sẽ vẫn là một tài sản trú ẩn an toàn hấp dẫn vào năm 2022.

Ở một kịch bản bi quan, nhiều ngân hàng đã đưa ra những dự báo gây chú ý khi hạ giá vàng thế giới về mốc 1.300 USD/ounce (tương đương giá vàng trong nước 36 triệu đồng/lượng).

Trong đó, Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) dự báo giá vàng năm 2022 với kịch bản "đen tối" khi giá giảm 16%. Bà Georgette Boele, chiến lược gia FX & kim loại quý cao cấp của ABN AMRO, cho rằng giá vàng sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce (tương ứng gần 42 triệu đồng/lượng) vào cuối năm sau, sau đó giảm xuống 1.300 USD/ounce (tương ứng 36 triệu đồng/lượng) vào cuối năm 2023.

Cũng dự đoán về giá vàng 2022, các nhà phân tích tại Ngân hàng Natixis cho rằng giá vàng có thể trở về mức giá trước đại dịch, quanh ngưỡng 1.630 USD/ounce, khi sự bình thường hóa nền kinh tế toàn cầu và các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ làm giảm sức hấp dẫn kênh đầu tư kim loại quý.

Còn Ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định, giá vàng có thể bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2022 khi chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu. Ngân hàng này dự đoán giá vàng sẽ ở mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2022, tức giảm 200 USD so với dự đoán trước đó.

Triển vọng giá vàng trong nước

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 (31/12), tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 60,95 - 61,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Với giá bán này, giá vàng trong nước tăng 5,3 triệu đồng/lượng, tương đương tăng trưởng 9,4% so với thời điểm đầu năm (4/1).

1
Khách hàng giao dịch tại một cửa hàng vàng. (Ảnh: TTXVN)

Trong năm 2021, thị trường vàng có thời gian dài giao dịch lình xình quanh mức 56 - 57 triệu đồng/lượng từ đầu năm.

Đến tháng 11, giá vàng bắt đầu có xu hướng đi lên và có thời điểm ghi nhận tương đương ngưỡng kỷ lục năm 2020, ở mức hơn 62 triệu đồng/lượng khi số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng lên đến 6,2% trong tháng 10/2021, mức cao nhất trong 31 năm, khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một biện pháp phòng trừ rủi ro lạm phát.

Các chuyên gia cho rằng giá vàng trong nước thời gian qua vẫn cao hơn thế giới, nhưng với mức chênh khoảng 12 triệu đồng/lượng, xấp xỉ 20% sau khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng là chưa từng có. Trước đó, ở thời điểm năm 2020, giá vàng trong nước so với thế giới cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Dưới góc độ cố vấn đầu tư và quản lý tài sản, theo Giám đốc điều hành của Công ty AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn, vàng đóng vai trò quan trọng tạo ra sự an toàn lâu dài. Đây là tài sản tài chính, có ở lớp tài sản bảo vệ cho khối tài sản của cá nhân, nhà đầu tư, không phải là lớp tăng trưởng. Điều này có nghĩa là khi phân bổ tài sản, đầu tư vào các hạng mục khác nhau như chứng khoán, nếu thị trường rủi ro biến động với chứng khoán, vàng là tài sản có tính bền vững.

Dù vàng đang bị cạnh tranh khốc liệt, bởi thị trường bất động sản tăng mạnh và thanh khoản ở thị trường chứng khoán đạt mức kỷ lục, vàng cũng bị cạnh tranh bởi thị trường tiền số, với cú bứt phá ấn tượng của Bitcoin, vàng vẫn là kênh đầu tư không thể thiếu, kênh đầu tư đa tài sản, theo một nhà quản trị website giá vàng.

Vị chuyên gia này nhận định, về triển vọng thị trường vàng khi bước sang năm 2022, tiềm năng đầu tư vào vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong đó lạm phát là một yếu tố không thể không nhắc tới khi đầu tư sản phẩm này.

Lạm phát đang xuất hiện trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ khi lượng lớn tiền bơm ra trong giai đoạn dịch bệnh. Lúc này, vàng chính là tài sản phòng thủ giới đầu tư dùng để phòng ngừa giá hàng hóa tăng và bảo toàn tài sản.

Theo các chuyên gia phân tích, triển vọng đối với kim loại quý còn phụ thuộc vào sự chuyển động của chính sách tiền tệ và tác động đối với đồng USD, cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới.

Link: https://vtv.vn/kinh-te/gia-vang-tiep-tuc-but-pha-trong-nam-2022-20220102172839753.htm

 

 

Theo VTV

 

.