Điện Biên chú trọng phát triển cây ăn quả theo hướng chất lượng, bền vững
Đồng chí Trần Văn Sơn (thứ 2 từ trái sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn công tác thăm mô hình cây ăn quả trên đất dốc tại thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng).. |
Điện Biên với quy mô đất đai rộng lớn, có những cao nguyên khá rộng, những cánh đồng sản xuất nông nghiệp trù phú như Mường Thanh, Mường Ảng, Tuần Giáo, thuận lợi cho việc sản xuất cây lương thực, rau màu, cây ăn quả; cùng với hệ thống sông, suối, ao hồ dày đặc, tạo nguồn nước thuận lợi cho khai thác thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây thực sự là những tiềm năng, lợi thế của tỉnh nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng để phát triển và thu hút đầu tư.
Hiện nay, bước đầu đã hình thành được mô hình trồng cây ăn quả tại các vùng vườn tạp và đất dốc theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trọng điểm tại một số địa phương như: Huyện Mường Ảng với mô hình cây ăn quả của Doanh nghiệp Quang Hà, chanh leo của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc;
Huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa với mô hình cây ăn quả, liên kết chuỗi trong thực hiện nông thôn mới….; huyện Điện Biên trang trại cây ăn quả liên kết chuỗi trong thực hiện nông thôn mới tại xã Thanh Hưng, Noong Luống; thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa và cây màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả khoảng 353,85ha .
Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh năm 2019 ước đạt 2.719 ha, tăng 459 ha so với năm 2018 chủ yếu là xoài, cây có múi, chanh leo,...; tổng sản lượng ước đạt 17.806 tấn với một số cây ăn quả chủ yếu có diện tích, sản lượng lớn như xoài, chuối, dứa, chanh leo, cam, bưởi, nhãn, vải .
Cụ thể: Xoài 447 ha, sản lượng 977 tấn; chuối 321,5 ha, sản lượng 6.750 tấn; dứa 318 ha, sản lượng 3.224 tấn; chanh leo 66,2 ha, sản lượng 330 tấn; cam 273 ha, sản lượng 1.107 tấn; bưởi 290 ha, sản lượng 675 tấn; nhãn, vải 446 ha, sản lượng 2.047 tấn.
Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh năm 2019 ước đạt 2.719 ha, tăng 459 ha so với năm 2018. |
Phát triển cây ăn quả theo liên kết chuỗi giá trị
Tỉnh Điện Biên đang tập trung phát triển một số cây ăn quả có diện tích lớn, có thể trở thành hàng hóa theo hướng liên kết tiêu thụ gắn với chuỗi thực phẩm an toàn.
Cụ thể, định hướng đến năm 2020, tỉnh phấn đấu phát triển diện tích nhãn ghép tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ với diện tích 500ha; phát triển diện tích dứa tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo khoảng 300 – 400ha gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ; mở rộng diện tích cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam ở huyện Điện Biên 100ha, Mường Ảng 300ha, Tuần Giáo 100ha và tạo vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, tỉnh lựa chọn, phát triển một số loại cây ăn quả khác phù hợp với điều kiện khí hậu theo mô hình trang trại, sử dụng giống có năng suất cao như: bơ, xoài, mít, ổi, vú sữa, thanh long… theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm”; xây dựng phương án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả tại huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và Điện Biên.
Hiện tỉnh đã phối hợp cùng với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tiến hành khảo sát và dự kiến đến năm 2021 phát triển khoảng 1.000ha cây chanh leo tại Điện Biên; trong đó, chủ yếu tại địa bàn 3 huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và Điện Biên với mô hình cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đây là loại cây được ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người sản xuất.