Vững vàng hành trình ươm mầm

Thứ Bảy, 19/11/2022, 16:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong suốt hơn 40 năm qua, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo ở tỉnh Điện Biên đã không ngừng say mê sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và hết lòng vì học sinh thân yêu, để dìu dắt biết bao thế hệ học sinh vươn lên trong học tập, trở thành những công dân tốt, đóng góp công sức và trí tuệ của mình và công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc.         

Ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên ký ức và hiện tại

Thời điểm 40 năm trước, tỉ lệ dân số mù chữ trong độ tuổi của tỉnh Điện Biên còn ở mức cao; trong đó vùng đồng bào dân tộc Mông là 88%, còn vùng đồng bào dân tộc Thái là hơn 60%. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự kiên trì nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy cô giáo, đến năm 2019 tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 được nâng lên hơn 97%. Năm 2022, tỉnh Điện Biên đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

1
Hình ảnh một lớp học đơn sơ tại tỉnh Điện Biên nhiều năm về trước.

Đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, mạng lưới trường lớp học trên địa bàn toàn tỉnh chưa phát triển, lực lượng giáo viên mỏng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn, phòng học cho học sinh chủ yếu là tranh tre, nứa lá. Sau hơn 40 năm, mạng lưới trường lớp ở các cấp học đã tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có gần 500 đơn vị trường học với gần 7.400 lớp học, trong đó có trên 97% là phòng học kiên cố và bán kiên cố, thu hút hơn 200.000 học sinh theo học. Đội ngũ cán bộ, nhà giáo ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng với trên 15.500 cán bộ giáo viên, trong đó trên 99% có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.

Tại tỉnh Điện Biên, cùng với sự phát triển về quy mô số lượng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp, học sinh trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng ngày càng tăng; chất lượng đào tạo mũi nhọn dần được khẳng định. Nhiều đề án quan trọng được Ngành Giáo dục - Đào tạo Điện Biên thực hiện hiệu quả như: Đề án nâng cấp các trường phổ thông DTNT cấp huyện, thành trường phổ thông DTNT THPT cấp huyện. Trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện và duy trì bền vững mô hình này.

Gian nan hành trình ươm mầm con chữ

Trong hành trình ươm mầm con chữ, gieo những ước mơ học tập cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên, có rất nhiều người thầy đặc biệt, một trong số ấy có thầy giáo Bàn Văn Đức, giáo viên Trường Mầm non Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện biên giới Mường Nhé. 11 năm công tác thì cũng chừng ấy thời gian, thầy giáo Bàn Văn Đức gắn bó với Điểm trường Mầm non Chuyên gia 3 - điểm trường lẻ gian khó bậc nhất ở huyện Mường Nhé.

Điểm trường cách nhà gần 20 km đều đường đất. Vào mùa mưa, để đến trường cách duy nhất là đi bộ, nhưng ngày nào thầy Đức cũng có mặt đúng giờ để đón học sinh. Không chỉ dạy con trẻ học tiếng, học chữ, mà từng bữa ăn, giấc ngủ của học sinh đều do bàn tay thầy Đức chăm lo. Năm học 2022 - 2023, Điểm trường Mầm non Chuyên gia 3 có gần 50 học sinh thuộc 2 nhóm tuổi theo học.

"Mình yêu trẻ từ bé, muốn nhìn các em từ lọt lòng để mình chăm sóc. Chính vì vậy mình quyết định chuyển sang ngành mầm non để gắn bó với học sinh hơn." - thầy giáo Bàn Văn Đức, chia sẻ.

1
Thầy giáo mầm non Bàn Văn Đức cùng những học trò của mình tại Trường Mầm non Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện biên giới Mường Nhé.

Mặc dù giao thông đi lại đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng vẫn còn có nhiều điểm trường mầm non, tiểu học thuộc các xã vùng cao, vùng xa, khu vực biên giới ở tỉnh Điện Biên có giao thông đi lại còn gặp rất nhiều khó khăn. Để đến trường dạy học, các thầy, cô giáo thậm chí phải men theo những con đường nhỏ chênh vênh bên sườn núi. Hành trình ươm mầm con chữ của các thầy cô dù còn biết bao gian khó, nhưng bằng tình yêu với nghề, họ vẫn luôn không ngừng nỗ lực.

"Điều kiện các cháu ở đây so với trung tâm rất thiệt thòi, các cô đến đây nhiệt tình và tâm huyến với các cháu, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và rất nhiều công việc khác cho các cháu." - cô giáo Khoàng Thị Phương, giáo viên Trường Mầm non Nậm Đích 1, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, nói.

Đời sống của người dân vùng cao cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, nên việc chăm sóc, giáo dục con em của mình đều nhờ cả vào bàn tay của các cô giáo, nhất là học sinh cấp mầm non. Hàng ngày từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy tiếng, dạy múa, dạy nói, dạy chữ cho trẻ, đều được các cô chăm lo đầy đủ, tận tình, trách nhiệm như chính những đứa con yêu quý của mình. Có lẽ cũng bởi như vậy, mà tỷ lệ trẻ ra lớp, đi học chuyên cần ngày càng tăng.

Nếu chỉ diễn tả bằng lời, thì khó có thể thể đong đếm được hết những hy sinh, sự nỗ lực của những người giáo viên vùng cao. Đã có rất nhiều thầy cô phải sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì bám trụ ở các thôn, bản xa xôi, để cho giấc mơ con chữ, của học trò vùng cao, được trọn vẹn.

Mùa hiến chương ấm áp

Một mùa hiến chương các nhà giáo lại về. Khác với không khí sôi động tưng bừng của ngày 20/11 ở các trường vùng thuận lợi, buổi lễ chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam ở nhiều điểm trường vùng cao của tỉnh Điện Biên diễn ra thật đặc biệt, ấm áp, nhẹ nhàng, giản dị, nhưng thực sự ý nghĩa.

1
Món quà giản dị là những bông hoa dại được học trò và phụ huynh yêu mến dành tăng các cô giáo vùng cao.

Những bông hoa dại, những lời chúc thân thương và sự sẻ chia là những gì thầy cô đón nhận, trong dịp mà cả dân tộc Việt Nam tôn vinh nghề giáo. Món quà vô cùng dễ thương tuy không mang nhiều giá trị vật chất nhưng luôn chứa đựng tình cảm lớn lao và không thể đong đếm của các em học sinh, của người dân vùng cao dành tặng cho thầy cô giáo ở những bản nghèo.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo ở tỉnh Điện Biên đã có nhiều thay đổi, đáp ứng được nhu cầu học tập của toàn xã hội. Học sinh từ địa bàn thuận lợi đến khu vực vùng cao, biên giới đã có điều kiện phát triển toàn diện, đó chính là động lực để mỗi thầy cô giáo nỗ lực vươn lên, hoàn thành sứ mệnh của những người chèo đò nơi cực Tây của Tổ quốc./.

 

 

Bùi Quang - Tiến Thế/DIENBIENTV.VN
 

.