Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Điện Biên TV - Sáng 15/8, tại phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tới 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Quàng Thị Nguyệt, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Điện Biên; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên dự phiên chất vấn tại điểm cầu Điện Biên. |
Trong sáng 15/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đã có có 28 đại biểu quốc hội đặt câu hỏi chất vấn với 43 vấn đề, câu hỏi có liên quan đến nhóm vấn đề gồm: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ, bao trùm toàn diện nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều nội dung văn bản pháp luật chưa đồng bộ, mâu thuẫn lẫn nhau, điều này đã được phản ánh rất nhiều. Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm rõ và nêu ra giải pháp để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, hiện tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật, các luật đang ở mức thấp. Về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho rằng cần tính toán, cân nhắc, nhìn nhận cụ thể. Trong việc thực hiện các kiến nghị, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp có một số vướng mắc, cụ thể, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Giao thông đường bộ liên quan đến chi vốn đầu tư công, một số các điều kiện liên quan đến kinh doanh có những vướng mắc nhất định trong Luật Đầu tư.
Hệ thống pháp luật của chúng ta rất đa dạng các hình thức, Bộ đang cố gắng phát huy cơ chế của hội đồng thẩm định. Bộ trưởng cũng cho biết, việc tuyển chọn nhân sự làm công tác xây dựng pháp luật, cần có các chế độ ưu tiên, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nhân tài, giữ chân nhân lực.
Trong buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó tập trung làm rõ nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các câu hỏi của các đại biểu quốc hội đều phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri. Các bộ trưởng và trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn, với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.
Từ các vấn đề đặt ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên.
Minh Trang - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN