Ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên - 60 năm xây dựng và phát triển

Thứ Tư, 21/06/2023, 10:33 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cùng với quá trình 74 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Điện Biên, công tác Tuyên giáo trải qua 60 năm hoạt động và không ngừng lớn mạnh, thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Đảng bộ tỉnh Lai Châu trước đây, nay là đảng bộ tỉnh Điện Biên luôn xác định công tác tuyên giáo của Đảng là một bộ phận có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng. Chính vì vậy, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào thời kỳ gay go, quyết liệt, trong phiên họp tại vùng tự do Yên Bái tháng 2-1952, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu đã ra Nghị quyết trong đó có đoạn nêu: “Xét hoàn cảnh và điều kiện ở Lai Châu hiện tại cần phải cỏ các bộ phận chuyên môn như tổ chức, tuyên huấn và kiểm tra để giúp Ban cán sự Đảng tỉnh trong công tác chỉ đạo; các bộ phận trên nằm trong Văn phòng Ban và có 1 đồng chí Ủy viên Ban cán sự phụ trách. Hiện tại thành lập bộ phận Tuyên huấn và Tổ chức trước, riêng bộ phận Kiểm tra nếu có điều kiện về cán bộ thì sẽ thành lập sau. Bộ phận Tuyên huấn cần thiết phải tổ chức một tổ để thành lập Trường đào tạo cán bộ địa phương để đáp ứng nhu cầu công tác”.

Thực hiện nghị quyết của Ban cán sự Đảng tỉnh, tháng 3-1952, Liên Ban Tổ chức - Tuyên huấn được thành lập, đồng chí Nông Văn Lạc - Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh được phân công làm Trưởng Liên ban, có 2 cán bộ. Thời kỳ này, để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Ban Cán sự Đảng tổ chức xuất bản Nguyệt san “Lai Châu kháng chiến”. Bằng việc phối hợp các lực lượng, phương tiện tuyên truyền giáo dục hiện có, công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ tỉnh lúc đó đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình là tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng Nhân dân gây dựng cơ sở cách mạng, củng cố chính quyền, phát triển Đảng, đảm bảo đúng yêu cầu mà Khu ủy và Ban cán sự Đảng tỉnh đã đề ra.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác tư tưởng đã bám sát chủ trương “Giải phóng Lai Châu” của Trung ương Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cổ vũ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đoàn kết, hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của chi viện cho bộ đội chủ lực đánh địch. Với sự nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, khi được tin bộ đội chủ lực về giải phóng Lai Châu, Nhân dân khắp nơi trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao hăng hái tham gia phục vụ chiến dịch: Những cân gạo, cọng rau, con gà, con lợn được huy động tại chỗ tuy nhỏ bé so với sự đóng góp của cả nước, nhưng lại thật vô cùng quý giá vì nó phục vụ nhanh chóng, kịp thời cho bộ đội “ăn no đánh thắng”.

1
Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên.

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dưới dự lãnh đạo của Khu ủy, Ban cán sự Đảng tỉnh đã triển khai nhiệm vụ: Khôi phục kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, truy quét tàn quân phỉ... Công tác tư tưởng của Đảng tập trung giáo dục trong Đảng, trong Nhân dân về chính sách dân tộc của Đảng, về nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, chống xưng vua, nổi phỉ. Nhờ đó, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đã có bước phát triển khá.

Trong giai đoạn (1955 - 1962) dưới sự lãnh đạo của Khu tự trị Thái - Mèo, công tác tuyên huấn của các Châu đã góp phần cùng Đảng bộ giáo dục, vận động Nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch của Đảng và Nhà nước. Tích cực khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa, từng bước đẩy lùi nạn đói, ổn định đời sống Nhân dân, đặc biệt là cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Từng bước xây dựng, củng cố Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng. Thông qua công tác tuyên truyền, đồng bào các dân tộc đã tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác, nhận rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, tăng cường đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, lập nhiều thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất.

Ngày 27-10-1962, kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa II đã ra Quyết nghị đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc, tái lập lại hai tỉnh Lai Châu, Sơn La. Ngày 05-2-1963, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu lâm thời ra Quyết nghị số 01-QN/TU về thành lập các Ban của Đảng của tỉnh gồm: Ban Công tác nông thôn, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn. Ban Tuyên huấn do đồng chí Lê Ninh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, đồng chí Lương Quy Nhân làm Phó ban.

Cũng vào thời gian này, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 60- CT/TW về nghiệp vụ công tác Tuyên giáo; Ban Tuyên giáo Trung ương có Nghị quyết Hội nghị toàn quốc (tháng 3-1963) về kiện toàn tổ chức Tuyên giáo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Quyết nghị số 04-QN/TU, ngày 26-6-1963 về việc “Thành lập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo các cấp”.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ra đời và có 3 đồng chí (1 Trưởng ban, 2 cán bộ), do đồng chí Lê Ninh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Đến cuối năm 1963, biên chế tăng lên 10 người (1 Trưởng ban, 1 Phó Trưởng ban kiêm Trưởng ty Văn hóa, 7 cán bộ chuyên môn, 1 nhân viên làm công tác hành chính). Có 3 bộ phận chuyên môn: Bộ phận Huấn học (3 cán bộ), bộ phận Tuyên truyền (3 cán bộ), bộ phận Văn giáo (1 cán bộ).

Để tăng cường sức mạnh cho công tác chính trị tư tưởng, Ban Thường vụ tỉnh ủy cũng đã cho phép Ban Tuyên giáo tỉnh ủy chuyển tờ “Thông báo” của Đảng bộ thành “Tờ tin”, (đến năm 1965 thành Báo Lai Châu, ngày nay là Báo Điện Biên Phủ). Hệ thống cơ quan Tuyên giáo, Trường Đảng ở tỉnh, huyện được kiện toàn và đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quan hệ sản xuất mới và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhìn lại chặng đường lịch sử suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên; tuy tổ chức bộ máy và đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo có những thay đổi; nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng bộ Tỉnh trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền, lý luận, văn hóa, khoa học, giáo dục là thống nhất và xuyên suốt. Truyền thống vẻ vang của ngành đã được giữ vững, phát huy và ngày càng được bồi đắp phong phú thêm. Đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo của tỉnh ngày càng trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương; tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong toàn xã hội. Với những thành tựu đó, ngành Tuyên giáo tỉnh Điện Biên vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba; Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương tặng thưởng   nhiều cờ, Bằng khen cho tập thể và cá nhân của ngành.

1
Đồng chí Lò Thị Minh Phượng, Uỷ viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (bìa trái) cùng các đại biểu tham dự Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác thông tin đối ngoại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Tuyên giáo của tỉnh vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục. Đó là tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Một số nơi cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của công tác Tuyên giáo, còn coi nhẹ công tác này. Việc tổ chức triển khai, quán triệt một số nghị quyết tại một số cơ sở chưa sát với tình hình địa phương nên chỉ đạo thực hiện hiệu quả chưa cao. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có lúc còn chưa kịp thời.

Trong những năm tới, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, công tác tuyên giáo cũng đứng trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Với yêu cầu nhiệm vụ “Đi trước mở đưởng, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết ” của công tác tư tưởng trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời gian tới, công tác tuyên giáo cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:   

1. Tập trung tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo - bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới; tăng cường bảo vệ Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, sơ kết, tổng kết thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; đồng thời, chú trọng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên.

2. Tăng cường công tác tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII theo yêu cầu Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các quy định của Trung ương và Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền và công tác quản lý, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản; văn hoá, văn nghệ. Phát huy đồng bộ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội; chủ động dự báo tình hình tư tưởng, dư luận có thể phát sinh.  

4. Tập trung đề ra các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên không gian mạng, hình thành các quy định văn hóa tốt đẹp trên không gian mạng.

5. Tiếp tục đổi mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác khoa giáo của Đảng bộ tỉnh. Tập trung tổ chức phổ biến, quán triệt, sơ kết, tổng kết gắn với kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy về lĩnh vực khoa giáo.

6. Thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và đảng bộ địa phương, truyền thống yêu nước, cách mạng của Nhân dân.

Tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành tuyên giáo tỉnh Điện Biên 60 năm qua, trong thời gian tới, với “Bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ” toàn ngành tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tốt những thành tựu đã đạt được, không ngừng đổi mới, sáng tạo; phát huy tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm, nâng tầm công tác tuyên giáo gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hiện nhiệm vụ trên quan điểm toàn diện, đồng bộ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, xác định được khâu đột phá cần triển khai, nỗ lực thể hiện rõ vai trò góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

 

Lò Thị Minh Phượng
Uỷ viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

.