Phát triển kinh tế số - Tạo bước đột phá của quá trình hội nhập

Thứ Ba, 28/03/2023, 17:08 [GMT+7]

Điện Biên TV -

Điện Biên TV - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bắt nhịp xu thế đó, tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy nhanh chóng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh Điện Biên.

Với mục tiêu ứng dụng sâu rộng công nghệ trong mọi hoạt động của nền kinh tế theo hướng hiệu quả, tối ưu hơn, góp phần hình thành nền kinh tế số không biên giới, mang lại giá trị cao hơn, tỉnh Điện Biên đã tập trung mở rộng thị trường thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh… Đến nay, đã có gần 500 sản phẩm của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo, PostMart.vn, Voso.vn... Trong đó, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử. Đồng thời, các doanh nghiệp, đơn vị cũng đang nỗ lực quảng cáo, bán sản phẩm hàng hóa trên không gian mạng; xây dựng website thương mại điện tử, sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu, quản lý bán hàng...

S
Đến nay, đã có gần 500 sản phẩm của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Không chỉ vậy, phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn đạt được dấu mốc quan trọng là doanh nghiệp, người nộp thuế thực hiện nộp thuế, hoàn thuế điện tử và sử dụng hóa đơn điện tử... Đến nay, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận gần 1.600 doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kê khai đăng ký thành công sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% kế hoạch giao; 100% hồ sơ khai thuế, đăng ký nộp thuế, hoàn thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử. Nhờ đó, không những công tác quản lý thuế được đổi mới theo hướng hiện đại, minh bạch mà việc quản lý hóa đơn được an toàn bảo mật 24/7, doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện tối đa.

Ông Dương Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thành Tươi cho biết: “Thuế điện tử đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, không có nhiều thủ tục rườm rà. Thuế điện tử nộp qua máy tính đỡ mất thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chúng tôi được bên Thuế hỗ trợ rất nhiệt tình và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nộp thuế nhanh chóng, gọn lẹ. Hiện tại thì doanh nghiệp đã đóng đầy đủ về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.”

Qua hơn 1 năm thực hiện chuyển đổi số, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tiến trình phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Đến nay, toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, trong đó có 11 doanh nghiệp nền tảng số... Tổng doanh thu thông qua kinh tế số toàn tỉnh đến hết năm 2022 đạt hơn 1.100 tỷ đồng; trong đó doanh thu dịch vụ bưu chính và thương mại điện tử đạt 195 tỷ đồng, doanh thu lĩnh vực viễn thông - internet - hạ tầng số đạt gần 734 tỷ đồng. Kinh tế số đã đóng góp trên 8% vào GRDP của tỉnh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, mỗi địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

X
Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận gần 1.600 doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kê khai đăng ký thành công sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% kế hoạch giao.

Ông Mùa Va Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Hiện nay, huyện đã có 4, 5 mặt hàng đã lên sàn thương mại điện tử như: Sản phẩm Cà phê Hồng Kỳ, táo mèo... Chúng tôi nghĩ rằng các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà đầu tư này có điều kiện và nhận thức khá cao về thực hiện kinh tế số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và chuyển đổi số sẽ được đẩy nhanh tốc độ thực hiện trong thời gian tới.”

Điện Biên xác định sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo lập hành lang pháp lý phát triển kinh tế số; từng bước xác lập, hoàn thiện khung cơ chế, chính sách đối với từng ngành, lĩnh vực về phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó là phát triển hạ tầng số, nền tảng số và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, cũng như đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ tiến trình quản lý và phát triển kinh tế số nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp số... Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị của kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP; trên 70% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến và 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản thương mại điện tử.

 

 

Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN
 

.